Thứ Sáu tuần trước, tôi có việc từ trung tâm qua TP Thủ Đức (TP HCM). Trong suốt gần một tiếng đồng hồ, app liên tục báo "Đang tìm tài xế", tôi thử 3 app khác nhau.
Hai lần tôi đã bắt được xe, nhưng kết cục đều bị hủy. Lần đầu, tài xế cách tôi khá xa, di chuyển được một đoạn thì tự động hủy. Lần thứ hai, tài xế báo xe bị bể bánh và nhờ tôi hủy giúp. Chỉ ít phút sau, tôi thấy xe của anh vẫn chạy bình thường vì lúc gọi điện, anh đứng cách tôi khoảng 100 m.
Sự chờ đợi kéo dài khiến một số người xung quanh trong tòa nhà bỏ cuộc, đi bộ hoặc tìm cách khác để di chuyển. Tôi may mắn bắt được một tài xế sau gần một tiếng.
Khi lên xe, tôi hỏi vì sao gần đây khó gọi xe đến thế, anh tài xế cười bảo: "Cuối năm, đường kẹt xe quá, chạy đi đón khách mất nửa tiếng nhưng cuốc chỉ được hơn chục nghìn, trừ phí lại chẳng còn bao nhiêu." Anh kể thêm, từ sáng đến giờ chạy gần 10 tiếng nhưng số tiền kiếm được chưa đủ để trang trải chi phí cơ bản.
Cuốc xe của tôi hết 45 nghìn, và dù không dư dả, tôi quyết định đưa anh 100 nghìn, bảo anh giữ luôn phần tiền thừa. Đó là cách tôi bày tỏ sự trân trọng dành cho sự kiên nhẫn và công sức của anh.
Cuối năm, tiệc tất niên triền miên, thường có chút bia bọt, xe ôm công nghệ và taxi công nghệ, sẽ được coi là giải pháp di chuyển tối ưu, giờ đây lại gặp nhiều thách thức. Chưa kể những người về quê, ra bến xe, sân bay nhu cầu đặt xe tăng cao.
Nhưng tôi thấy tính đi tính lại, tài xế xe công nghệ thu nhập không ổn định, thời gian làm việc kéo dài, chi phí xăng xe và phí nền tảng cao khiến các tài xế rơi vào thế khó. Trong khi đó, khách hàng cũng không ít lần bức xúc vì phải chờ đợi lâu, hủy cuốc hoặc không được phục vụ như mong đợi.
Những vấn đề này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của mô hình giao thông công nghệ. Cải thiện chính sách hỗ trợ tài xế, giảm phí nền tảng và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng là điều cần thiết để cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Đồng thời, sự thông cảm và chia sẻ từ khách hàng cũng có thể giúp làm dịu bớt áp lực mà tài xế phải đối mặt.
Trần Lâm