Tôi có đọc bài "Một khi đã sa lầy vào nghề xe ôm công nghệ, nhiều bạn trẻ sẽ khó thoát ra" của các độc giả, ghi nhận và chia sẻ với suy tư của tác giả Henry Nguyễn.
Đúng là cái gì cũng có hai mặt, cả tiêu cực lẫn tích cực và vấn đề là mỗi người, với nền tảng của bản thân, sẽ thiên về phần tiêu cực hay tích cực hơn mà thôi.
Tôi đồng ý với bạn, thanh niên nếu khó khăn ở giai đoạn nào đó thì nên chạy "xe ôm công nghệ" nhưng bên cạnh đó phải dành thời gian trau dồi thêm những thứ "bổ béo" cho tương lai của mình. Chớ nếu chạy xe ôm cả đời thì có cải thiện được điều gì đáng kể không? Chắc là không.
Bản thân tôi chạy thêm Grab vào buổi tối, tôi nhận ra một điều, hầu như ai cũng không tôn trọng lắm những người thiên về lao động chân tay.
Với xã hội xứ mình, phải có bằng cấp cao, làm nghề thiên về trí óc, kỹ năng cao thì mới ngon lành và đáng trân trọng. Và khi tôi khoác lên bộ áo Grab, tôi cảm thấy rằng những vị khách mà tôi chở, ai cũng tự tin hẳn ra, từ anh bảo vệ, em sinh viên, chị văn phòng... họ sẵn sàng lên mặt, dạy đời và quyết liệt hơn- những thứ mà dường như ở những nơi hằng ngày họ sống, họ làm, họ không có được.
>> Chạy xe ôm công nghệ, thanh niên bị 'cướp mất' sức khoẻ và thanh xuân
Có lần tôi chở một vị khách say và có lẽ khi người ta say thì họ sẽ sống thật với mình, mặc dù biết rõ đường đi, tôi vẫn lịch sự hỏi anh muốn đi đường nào. "Chạy sao chạy, tùy mày" – vị khách trả lời.
Vì rút kinh nghiệm những lần trước, tôi chỉ hỏi một lần rồi im lặng mà chạy cho xong cuốc. Một lát sau, anh ta bắt đầu chỉ đường và "quậy". Anh ta vặn lại những câu "Mày biết đường không?", rồi "Tao có xe hơi mà tao không đi, tại lỡ say thằng em không cho lấy xe nó về, mày chở tao về chỗ công ty tao, tao lấy xe hơi chạy về nhà".
Rất nhiều lần như vậy, cả người tỉnh cũng hành xử như người say. Con người thật kì lạ, hầu như mọi người không hành xử dựa trên giá trị mà họ coi trọng, họ chỉ hành xử dựa trên mạnh yếu, dựa vào yếu tố bên ngoài, ai bặm trợn thì mình khiếp nhược, ai có vẻ sang giàu thì mình coi trọng và ngược lại.
Hình như chúng ta không có con người ở bên trong, chúng ta rỗng và cứ bị bên ngoài chi phối. Đúng là tôi không ủng hộ việc quá lệ thuộc vào việc chạy xe ôm công nghệ, đó chỉ là bước đi tạm thời và cần trăn trở nhiều hơn. Bản thân tôi vừa chạy xe vừa tranh thủ học tiếng Anh, đối diện với ước mơ xa và thực tại gian khó, sự mâu thuẫn đó khiên tôi vô cùng căng thẳng.
>> Sinh viên, bạn trẻ sẽ không định hướng được tương lai nếu chạy xe ôm công nghệ
Tôi ước gì mình không có hoài bão hay ước mơ gì, chấp nhận thực tại thì có lẽ tôi sẽ là "thằng xe ôm" giỏi và thanh thản. Suy cho cùng, hãy tôn trọng những "thằng xe ôm" bởi ta chỉ nhìn thấy bên ngoài, chớ ta không biết được ước mơ của mỗi người, họ đang nỗ lực vì cái gì?
Ta tôn trọng họ cũng là tôn trọng chính mình, một suy nghĩ coi thường, một lời nói khinh khi người khác sẽ "quật" lại ngược vào chính con người ta, khiến nhân cách con người mình tệ đi, mỗi ngày tệ một chút, dần dà mình sẽ thành thứ gì mà chính mình không hề hay biết.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.