Thông tin được ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết chiều 14/4.
Với phương án mới, các đơn vị thi công khoan từ bên trên núi (phần đỉnh hầm) để đổ bêtông vào khu vực nắp hầm. Khi bêtông đông kết, công nhân vào bên trong hầm để thu dọn đất đá, vận chuyển ra ngoài. Hầm sẽ được lắp dầm để gia cố bên trong, tu sửa các phần còn lại.
"Phương án này có thể cần khối lượng hàng nghìn khối bêtông gia cố các điểm sạt lở", ông Vinh nói, cho biết cách làm này tốn công, thời gian, nhưng đảm bảo độ an toàn, chắc chắn. Sáng nay nhà thầu đã tiếp cận các vị trí sạt lở, thu dọn đất đá, thi công thăm dò chiều sâu chuẩn bị cho việc khoan núi. Các đơn vị cố gắng sửa chữa và thông tuyến trong vòng 3 ngày.
Giải pháp khoan núi được đưa ra sau hai ngày hầm Bãi Gió, đoạn qua đèo Cả sạt lở dài 20 m, chia cắt tuyến đường sắt, song công tác khắc phục chưa đem lại hiệu quả. Đơn vị thi công đã dọn dẹp đất đá, lắp mái vòm bằng sắt, phun bêtông gia cố vỏ hầm, nhưng khi sắp thông hầm thì 50 m3 tiếp tục tràn xuống.
Hầm Bãi Gió được hoàn thành năm 1936, vỏ hầm làm bằng bêtông, dài hơn 400 m, cao 5 m, rộng 4 m, nối Phú Yên và Khánh Hoà. Sạt lở khiến tuyến đường sắt tê liệt. Hiện các tàu đi từ phía nam phải dừng ở ga Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), tàu đi từ phía bắc dừng ở ga Tuy Hòa (Phú Yên). Hai ga này cách nhau hơn 40 km. Sau đó ngành đường sắt sẽ bố trí ôtô chuyển tải khách, hàng hoá để tiếp tục hành trình. Hơn 160 lượt xe được thực hiện để trung chuyển khoảng 6.600 khách.
Những ngày qua ngành đường sắt cũng huy động hơn 200 công nhân, hai đoàn tàu, 4 máy loại nhỏ đưa vào hầm nhằm khắc phục sự cố.
Bùi Toàn