Xe máy sẽ tăng giá nếu chịu thuế TTĐB. |
Ông Hùng cho biết, đề nghị ban đầu của Bộ là đánh thuế 20% với xe có giá từ 15 đến 30 triệu đồng/chiếc và 50% với xe có giá cao hơn 30 triệu đồng/chiếc.
Hiện nay, vấn đề được dư luận quan tâm là các doanh nghiệp xe máy sẽ gặp khó khăn, do thuế có thể đẩy giá xe tăng cao, người mua ít đi. Đồng thời, nếu khởi điểm tính thuế TTĐB là 15 triệu đồng/xe, người nghèo có thể trở thành đối tượng chính chịu thuế. Tuy nhiên, theo ông Hùng, giá cả là do quan hệ cung - cầu và người sản xuất sẽ chỉ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các loại xe đắt tiền. Ông nói thêm: "Ngoài xe máy, những người có thu nhập thấp còn có thể sử dụng xe đạp, xe đạp điện hoặc các phương tiện giao thông công cộng như tàu, xe buýt… nên không phải lo lắng nhiều đến thuế tiêu thụ đặc biệt. Họ cũng có thể tránh thuế bằng việc mua các loại xe có giá dưới 15 triệu đồng/chiếc - chủ yếu do doanh nghiệp trong nước sản xuất mà chất lượng vẫn đảm bảo".
Mục đích của thuế TTĐB, theo ông Hùng, bao giờ cũng là nhằm hạn chế tiêu dùng, điều tiết thu nhập và tăng thu ngân sách Nhà nước. Riêng đối với xe gắn máy, thuế còn có tác dụng gián tiếp giảm tai nạn và ùn tắc giao thông; thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; là cơ sở giúp giảm bớt tình trạng nhập khẩu xe máy ồ ạt. "Mục tiêu lâu dài sẽ là chỉ còn nhập khẩu các loại xe nguyên chiếc", ông Hùng cho biết.
Ngày 8/5, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng sẽ đọc Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB. Ngày 26/5, dự án luật này sẽ được các đại biểu Quốc hội biểu quyết và sẽ xem xét việc áp dụng mức thuế TTĐB cho xe máy trên 15 triệu đồng hay 25 triệu đồng.
Thanh Xuân