Ông Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, các thành viên Chính phủ đã nhất trí 100% với quan điểm bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ hiện không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gồm: kinh doanh xổ số, dịch vụ giải trí có đặt cược, xe gắn máy vì xe máy lưu thông quá lớn gây ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. "Vì vậy, đây là mặt hàng cần thiết điều tiết tiêu dùng trong khi đang phải thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu" - ông Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho biết, đại đa số các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế - Ngân sách và các đại biểu đề nghị không nên đưa xe máy vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi vì trong nhiều năm tới xe máy sẽ là phương tiện giao thông, công cụ làm ăn quan trọng ở nông thôn, miền núi và các đô thị nhỏ. Ông Kiên cũng đã đưa ra dẫn chứng khá cụ thể: nếu đưa xe máy vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 30%, đồng thời nới rộng khung thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng xe gắn máy, cùng với việc sắp xếp các sắc thuế khác như thuế giá trị gia tăng sẽ đẩy giá xe máy lên cao (dự tính tăng khoảng 2 lần) gây ảnh hưởng lớn đến người lao động có thu nhập thấp, chủ yếu là nông dân (chiếm tới 75% dân số cả nước).
Ngoài việc tác động lớn đến sự tồn tại của hơn 50 doanh nghiệp đang sản xuất, lắp ráp xe gắn máy trong cả nước, nhất là vấn đề lao động, việc làm và thu hút vốn đầu tư, theo ông Kiên, còn rất dễ gây tâm lý bất lợi trong dân chúng cho rằng: người giàu ở đô thị có điều kiện chuyển sang sử dụng xe cao cấp, đắt tiền (ôtô 4 chỗ, xe gắn máy loại tốt, phân khối lớn), đông đảo người lao động có thu nhập thấp, cần chiếc xe máy để làm ăn và phục vụ cuộc sống lại bị chèn ép.
Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng, lý do mà tờ trình đưa ra chưa thuyết phục. Theo ông Yểu, đánh thuế làm tăng giá xe máy để hạn chế tiêu dùng không phải là biện pháp chính để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Mà chỉ nên thu thuế trước bạ cao, tăng lệ phí đăng ký lưu hành ở các thành phố, đô thị lớn để hạn chế xe máy lưu hành ở những khu vực này mà thôi, còn ở nông thôn xe máy vẫn rất cần. Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được bổ sung thêm, ùn tắc và tai nạn giao thông một phần là do kỷ luật
Tuy nhiên, ông Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, phải đưa xe máy vào diện thuế tiêu thụ đặc biệt vì phải "gác cửa" bởi khi thực hiện hội nhập, thuế nhập khẩu giảm xuống, xe ngoại tràn vào nhiều thì không thể hạn chế nổi xe máy theo như chủ trương của Chính phủ. Thêm nữa, theo quy hoạch đến năm 2005 cả nước có 14 triệu chiếc xe máy mà hiện nay đã có tới 11 triệu chiếc.
Các ý kiến thảo luận sau đó đồng tình với việc phải đánh thuế nhưng đề nghị không nên đánh đồng tất cả các loại xe máy cùng chịu thuế suất 30%. Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đề xuất, phải đánh thuế cao xe gắn máy xa xỉ như thế mới đúng tính chất tiêu thụ đặc biệt. "Thích chơi thì cho chơi nhưng phải đánh thuế thật cao để điều tiết" - ông Được nhấn mạnh. Phó Chủ tịch Nguyễn Phúc Thanh cũng có quan điểm tương tự và đề xuất: đánh thuế cao đối với xe máy giá trị lớn, phân khối cao.
Cuối cùng thì Bộ trưởng Tài chính Sinh Hùng cũng tán đồng với phương thức này. Bộ trưởng giải thích thêm, dựa vào khung ban hành mà đánh thuế cao hay thấp theo phân khối hay giá trị của xe. "Đương nhiên không thể khuyến khích dùng các loại xe máy giá tới 6.000-7.000 USD", Bộ trưởng quả quyết. Theo ông thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh vào các loại xe máy mới kể cả sản xuất trong nước hay nhập khẩu chứ không đánh vào việc mua bán xe đã qua sử dụng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng đồng tình với phương án này và đề nghị Chính phủ cần suy tính kỹ xem nên áp dụng mức thuế bao nhiêu đối với xe máy là hợp lý.
(Theo Tiền Phong)