Tỷ lệ xe hợp đồng là 3,3%, xe du lịch 23%, xe khách 15%. Ở 12 địa phương này, tính đến 5/12, số phương tiện đã lắp camera giám sát là hơn 25.000 xe, tăng 0,4% so với tháng trước.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, tỷ lệ đạt được khá thấp mặc dù Tổng cục nhiều lần đôn đốc, trong số này có Bắc Ninh, Bến Tre, Bắc Kạn...
Theo bà Hiền, tỷ lệ đạt thấp do nhiều doanh nghiệp chưa đưa phương tiện ra hoạt động do ảnh hưởng Covid-19, nhất là các xe khách, xe hợp đồng, du lịch. Cùng với đó, nhiều chủ doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi Chính phủ chỉ đạo hoãn xử phạt với các xe chưa lắp đặt camera nên chưa đầu tư mua sắm thiết bị này.
Hiện, Bộ Giao thông Vận tải vẫn yêu cầu thực hiện đúng quy định của Chính phủ. Các sở giao thông vận tải tỉnh thành cần đôn đốc doanh nghiệp thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải trước 31/12 và cập nhật tình hình về Tổng cục.
Tại cuộc họp chiều 7/12, đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Gia Lai cho biết, nhiều xe khách, xe hợp đồng không hoạt động do dịch, hoặc có chạy thì doanh nghiệp phải bù lỗ. Do đó, nhiều đơn vị lo ngại tốn kém chi phí đầu tư camera giám sát trong khi xe chưa hoạt động và duy trì đường truyền về Tổng cục Đường bộ gây lãng phí. Các nhà xe đã có hợp đồng với đơn vị cung cấp thiết bị song họ chưa tiến hành lắp đặt.
Ông Đỗ Công Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, camera giám sát là một trong các thiết bị bắt buộc với xe hoạt động kinh doanh vận tải, nếu xe dừng hoạt động thì chưa cần phải lắp. Song từ 1/1/2022, nếu các xe hoạt động mà chưa có thiết bị này sẽ bị xử phạt.
Nghị định 10 quy định trước 1/7, ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe lưu thông.
Do ảnh hưởng đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn đầu tư thiết bị camera, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã kiến nghị lùi thời hạn sau một năm (đến 1/7/2022).
Trước kiến nghị đó, Chính phủ vẫn yêu cầu lắp đặt camera theo lộ trình, đồng thời lùi xử phạt đối với cá nhân, đơn vị chưa lắp thiết bị đến hết ngày 31/12/2021.
Tháng trước, Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội tiếp tục kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt xe chưa lắp camera giám sát từ 6 tháng đến một năm do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Với doanh nghiệp có nhiều đầu xe sẽ phải chi phí hàng trăm triệu đồng để lắp đặt thiết bị này.
Nghị định 100 quy định lái xe sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa không lắp camera theo quy định hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.
Đối với đơn vị kinh doanh, mức phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.