Đại diện tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam nhận định xe không người lái sẽ thay đổi cách con người tham gia giao thông chứ không chỉ đơn thuần là thú tiêu khiển hạng sang của giới nhà giàu. Khi được lập trình điều khiển, xe lưu thông theo trật tự cũng như biết tính toán đường đi hơn so với con người, nhờ đó tiết kiệm năng lượng, chi phí và giảm thiểu tai nạn.
Vì vậy, FPT đã tổ chức cuộc thi Cuộc Đua Số, diễn ra từ tháng 11/2016 đến 5/2017, dành cho sinh viên các trường đại học trong nước. Các đội tham gia sẽ lập trình điều khiển xe mô hình và đua với nhau trên sa hình mô phỏng đường phố Việt Nam.
Tuy nhiên, tại sự kiện Open Camp, diễn ra song song ở Hà Nội và TP HCM ngày 13/4, bà Phạm Trang Phương Dung, Giám đốc Uber TP HCM, cho rằng xe không người lái sẽ không dễ dàng triển khai ở Việt Nam.
"Tại Mỹ, xe không người lái được chạy thử trên các xa lộ vì không có nhiều đường vòng, ngã rẽ như trong đô thị. Tôi cho rằng việc đem loại xe này về Việt Nam sẽ hơi khó vì ở Việt Nam tình hình giao thông phức tạp do sự đông đúc của xe máy, ôtô cũng như ý thức tuân thủ luật giao thông không cao. Ngay cả ở Mỹ, xe không người lái cũng phải khoảng 10 năm nữa mới thương mại hóa được. Dù xe giúp giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, giảm tắc đường nhưng giá vẫn quá cao. Ở Việt Nam, thời gian này sẽ còn lâu hơn vì sự hạn chế của đường sá cũng như cần sự hỗ trợ của chính phủ", bà Dung đánh giá.
![Mẫu xe không người lái này sẽ được FPT cung cấp cho các đội lọt vào vòng chung kết cuộc thi lập trình ứng dụng mang tên Cuộc đua số 2016.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2017/04/14/xe-1-3893-1492139619.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wryi29H7zHJFvE-ZTUV9BQ)
Mô hình xe không người lái được FPT cung cấp cho các đội lọt vào vòng chung kết Cuộc Đua Số.
Trước đó, tại vòng thi Tìm kiếm của Cuộc Đua Số hồi tháng 1/2017, PGS.TS. Trần Văn Lăng, Trưởng khoa CNTT Đại học Lạc Hồng, nhận định. "Chúng ta khó có thể tạo dựng một ngành công nghiệp xe hơi đúng nghĩa. Nhưng phần mềm giờ mới là bộ não. Chỉ một ứng dụng thôi cũng có thể điều khiển cả chiếc xe tiền tỷ. Đó chính là ước mơ và nó không quá xa vời với sức trẻ, với kiến thức của các sinh viên Việt Nam hiện nay. Đó cũng chính là lý do Đại học Lạc Hồng cổ vũ hết mình cho các sinh viên tham dự cuộc thi này".
Cuộc Đua Số đã thu hút hơn 500 sinh viên từ 26 trường đại học tham dự. Sau 8 trận thi đấu vòng loại, 8 đội thi xuất sắc của Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Bưu chính viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học CNTT (Đại học Quốc gia TP HCM), Học viện Khoa học kỹ thuật quân sự, Đại học Bách Khoa TP HCM, Đại học Lạc Hồng đã lọt vào vòng chung kết, dự kiến diễn ra giữa tháng 5/2017. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên tới 700 triệu đồng.