Sáng 13/10, Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) mở bán vé trên hai tuyến TP HCM đi Đăk Lăk và Đồng Nai sau khi các địa phương này đồng ý mở lại xe khách liên tỉnh với thành phố. Từ sáng sớm, anh Trương Công Kha chạy xe rỗng từ Đồng Nai đến bến chờ khách, nhưng suốt buổi sáng xe nằm chờ do không người đi. "Ngày đầu vắng khách nhưng tôi vẫn đến bến, hy vọng có người đi và tìm hiểu thêm thủ tục để thuận lợi hơn những ngày sau", anh Kha nói.
Đại diện nhà xe Kumho Samco, đơn vị hoạt động ở Bến xe Miền Đông, cho biết hôm nay đơn vị này khai thác một chuyến từ TP HCM đi Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) lúc 22h, số chỗ người đăng ký cơ bản đã đầy do không vượt quá 50%. Nhà xe này trong hôm nay dự kiến mở lại tuyến từ TP HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi địa phương vừa chấp thuận tổ chức trở lại.
Ông Tạ Chương Chín, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, hiện ngoài 13 chuyến thuộc 2 tuyến xe đi Đồng Nai và Đăk Lăk đăng ký hoạt động trong ngày, bến tiếp nhận các đơn vị vận tải khác khi được địa phương thống nhất. "Đã có hơn 40 đơn vị đăng ký chạy lại tại bến và chúng tôi đang chờ các tỉnh thành phản hồi", ông Chín nói và lý giải việc xe từ các tỉnh thành hôm nay chưa đến thành phố do ngày đầu thí điểm, doanh nghiệp phải chuẩn bị. Ngoài ra nhiều tỉnh ở xa, hành trình dài nên dự kiến ngày mai mới có nhiều xe vào thành phố.
Tại Bến xe Miền Tây, các tuyến xe khách cố định chưa hoạt động lại hôm nay do các tỉnh chưa phản hồi với phương án của TP HCM gửi trước đó. Hiện, bến chỉ chở người dân về quê miễn phí theo sự phối hợp giữa thành phố với tỉnh thành.
Hôm qua, trong phản hồi Sở Giao thông Vận tải TP HCM về thí điểm ôtô chở khách liên tỉnh tuyến cố định, phía Đồng Nai thống nhất triển khai tạm thời 4 tuyến đi thành phố, gồm từ các bến xe Tân Phú, Phương Lâm, Nam Cát Tiên đến Bến xe Miền Đông và từ Nam Cát Tiên đi Bến xe Ngã tư Ga. Trong đó, những tuyến trước đó có lưu lượng khai thác 30 chuyến mỗi tháng được Đồng Nai tạm thời cho chạy 4 chuyến; tuyến có lưu lượng 15 chuyến mỗi tháng 15 chuyến được khai thác 2 chuyến thời gian thí điểm.
Tại Hà Nội, bốn bến xe lớn là Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm và Gia Lâm vẫn đóng kín cửa.
Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình, cho hay hai ngày qua đơn vị đã huy động tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ bến và lên phương án kiểm soát đón trả khách an toàn. "Ngay khi thành phố cho phép, bến sẵn sàng tiếp nhận xe", ông Sơn nói.
Tương tự, tại bến xe phía Giáp Bát, phía nam Hà Nội, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe, cho biết, hôm qua (12/10), bến đã huy động nhân viên dọn dẹp, phu khử khuẩn. Tất cả nhân viên của bến đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19. Bến xe bố trí một khu vực xét nghiệm nhanh, lắp đặt hệ thống đo thân nhiệt tự động.
Hiện tại bến Giáp Bát vẫn còn 20 xe khách đường dài phải đỗ nhờ từ khi giãn cách xã hội. Trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, mỗi ngày bến Giáp Bát đón hơn 800 lượt xe khách đường dài.
Anh Phạm Văn Bảy, 32 tuổi, chạy tuyến Ninh Bình - Bến xe Giáp Bát, cho hay, hai tháng qua anh chuyển sang lái xe tải luồng xanh. Những ngày này, anh đang bảo dưỡng xe khách để chuẩn bị cho ngày được chạy lại.
"Xe để lâu ngày, lốp rồi phụ tùng hỏng hóc nhiều. Chạy lại với lượng khách hạn chế, tôi e rằng không đủ chi phí xăng dầu, bảo dưỡng", anh Bảy lo lắng.
Chiều nay (13/10), chuyến tàu đầu tiên sau hai tháng ngành đường sắt tạm dừng hoạt động rời ga Hà Nội chay vào TP HCM, với hơn 300 hành khách.
Hành khách lên tàu phải có xác nhận tiêm đủ hai mũi vaccine; viết bản cam kết tuân thủ quy định phòng chống dịch trước khi vào ga.
Kẹt lại ở Hà Nội hai tháng, ông Nguyễn Quang Quế, 51 tuổi (quê Vinh, Nghệ An) làm nghề thợ hồ, đến xếp hàng làm thủ tục trước một giờ đồng hồ. "Tôi mong chờ chuyến tàu này đã lâu để về quê thăm gia đình, sau đó sẽ quay lại Hà Nội kiếm thêm tiền cho dịp Tết", ông Quế chia sẻ.
Bà Đoàn Thị Cường, 63 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho hay đã hơn 9 tháng chưa về quê ở Nam Định. Hiện chưa có xe khách tuyến Hà Nội - Nam Đình nên bà chọn đi tàu. "Tôi được con đặt giúp vé online, rất vui khi cuộc sống đã dần trở lại bình thường như trước khi có dịch", bà Cường chia sẻ.
Chuyến tàu tàu SE5 xuất phát tại Ga Hà Nội lúc 15h20 ngày 13/10 và đến ga Sài Gòn lúc 5h50 ngày 15/10. Tàu SE5 sẽ thực hiện việc đón, trả khách tại 23 ga trên dọc tuyến gồm Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định, Nình Bình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Vinh, Yên Trung, Hương Phố, Đồng Hới, Đồng Hà, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Diêu Trì, Tuy Hòa, Nha Trang, Tháp Chàm, Bình Thuận, Biên Hòa, Dĩ An và TP HCM.
Tại ga Long Biên, hôm nay (13/10) cũng đón gần 100 hành khách, trong đó chuyến tàu LP6 từ Hải Phòng tới Hà Nội trong buổi sáng có 31 người, buổi chiều chuyến tàu LP5 chở 53 người từ ga Long Biên đi về Hải Phòng. Ông Bùi Văn Sơn, Trạm trưởng trạm Long Biên cho biết trong những ngày thường, tàu từ Hải Phòng tới sẽ dừng tại ga Long Biên, riêng thứ 7 và Chủ nhật sẽ dừng tại ga Hà Nội.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hành khách thuộc vùng nguy cơ sẽ được bố trí ngồi riêng một khoang. "Trên tàu cũng giành một phòng để làm khu cách ly tạm thời, trong quá trình tàu chạy, hành khách có biểu hiện ho, sốt sẽ được cho vào đây", ông Minh cho biết. Tại mỗi ga, phía đường sắt Việt Nam cũng phối hợp với địa phương nhằm phân loại khách khi xuống.
Sau 7 ngày chạy thử nghiệm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ có những đánh giá lại và theo nhu cầu của hành khách tần suất chạy có thể tăng hoặc giảm. Dù đợt này chỉ bố trí 50% chỗ ngồi, song giá vé vẫn được giữ nguyên. "Những chuyến tàu này chủ yếu là thể hiện trách nhiệm với xã hội vì chắc chắn sẽ lỗ khi không được chở quá nhiều khách", ông Minh nói.
Ngành đường sắt sẽ chạy thí điểm trở lại hai đoàn tàu khách Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội – TP HCM từ ngày 13 đến 20/10.
Trên tuyến đường bộ, hôm nay 7 địa phương bắt đầu khai thác lại xe khách liên tỉnh, gồm: TP HCM, Đồng Nai, Điện Biên, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình. Các tuyến được khai thác gồm: Điện Biên - Sơn La, Điện Biên - Lào Cai, Đồng Nai - TP HCM, Đồng Nai - Vĩnh Long, Bắc Giang - Thái Nguyên, Ninh Bình - Hải Phòng, Quảng Bình - Quảng Trị. Các tuyến khác đang chờ các địa phương thống nhất.
Hôm 11/10, TP HCM gửi phương án thí điểm ôtô khách liên tỉnh tuyến cố định đến và đi từ thành phố đến các tỉnh thành trong 7 ngày, từ 13 đến 20/10, sớm hơn nửa tháng so với dự kiến trước đó.
Theo phương án thí điểm, tần suất các xe được hoạt động tối thiểu 5% và tối đa 30% theo lưu lượng đơn vị khai thác trước đó; trên xe phải thực hiện giãn cách (không áp dụng với xe giường nằm). Khách đi từ TP HCM phải tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều thứ hai ít nhất sau 14 ngày hoặc khỏi Covid-19 trong 6 tháng; xét nghiệm âm tính nCoV hiệu lực 72 giờ. Người chưa tiêm vaccine phải xét nghiệm âm tính hiệu lực 72 giờ.
Riêng với hành khách từ tỉnh thành đến TP HCM chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe... Các chuyến xe đi và đến TP HCM phải thực hiện 5K, khai báo y tế...
Gia Minh - Tất Định - Phạm Chiểu