Thông tin trên nêu trong báo cáo "Quá trình chuyển đổi đạt phát thải ròng bằng 0: Cơ hội cho Việt Nam" do tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies công bố ngày 8/1.
Nhóm tác giả cho rằng Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu Net Zero vào 2050 và giúp hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu xuống dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo đưa ra các cơ hội đầu tư của Việt Nam dựa trên hai kịch bản phát thải ròng bằng 0 hoặc đạt đỉnh phát thải vào 2050 rồi giảm dần.
Ở kịch Việt Nam đạt Net Zero vào 2050, cơ hội đầu tư mở ra "chưa từng có" với giá trị 2.400 tỷ USD. Trong đó, năng lượng tái tạo và xe điện có thể "hút" vốn nhiều nhất từ cơ hội đầu tư này, nhờ mức độ giảm phát thải cao và khả năng cạnh tranh với xe xăng.
Chia theo khả năng giảm phát thải, điện và vận tải đường bộ là hai ngành có tham vọng cao nhất. Tuy nhiên, xe điện đang gặp thách thức từ tốc độ tiếp nhận của người dùng, năng lực sản xuất, cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, ngay với lĩnh vực có khả năng giảm phát thải lớn nhất, công nghệ cho xe điện, năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) và điện hạt nhân vẫn có quy mô rất nhỏ. Nhóm tác giả cho rằng cần phát triển các công nghệ này đạt quy mô cao hơn so với mức hiện tại.
Ví dụ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, với ôtô điện, doanh số bán cần tăng 6 lần, từ 14 triệu chiếc vào 2023 lên 90 triệu xe tới 2030.
Với năng lượng tái tạo, công suất điện gió, điện mặt trời cần tăng nhiều hơn nữa. Hiện điện gió và mặt trời đạt công suất 21.447 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện mặt trời cần đạt 168.594-189.294 MW, điện gió trên bờ 77.000 MW và ngoài khơi khoảng 70.000-91.500 MW vào 2050.
Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050, điện mặt trời cần phải được huy động nhiều hơn, ở mức 333.000 MW. Ngược lại, nhóm tác giả khuyến nghị giảm 45.000 MW công suất điện gió ngoài khơi do chi phí cao hơn công nghệ các loại năng lượng tái tạo khác.
Với điện hạt nhân, Việt Nam tái khởi động dự án Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng. Theo nhóm tác giả, loại năng lượng này là cần thiết trong tiến trình hướng tới Net Zero, cần đưa vào vận hành từ 2030.
Liên quan tới mức phát thải năng lượng, nhóm tác giả tính toán Việt Nam cần đạt đỉnh phát thải vào 2026, với 353 triệu tấn CO2 để tương thích với mục tiêu của Hiệp định Paris. Riêng ngành giao thông đạt đỉnh phát thải vào 2029 và nhanh chóng giảm nhờ quá trình điện hóa phương tiện giao thông đường bộ.
Mức phát thải của ngành công nghiệp sẽ đạt đỉnh vào 2033, sau đó giảm mạnh ở giai đoan 2038-2039, nhờ áp dụng công nghệ thu hồi, lưu trữ carbon (CCS) và sử dụng khí hydro.
Ở kịch bản còn lại, ngành năng lượng sẽ đạt đỉnh phát thải muộn hơn 18 năm, vào 2044 với 616 triệu tấn CO2. Mức phát thải của các ngành còn lại, trừ công nghiệp, đều đạt đỉnh trước năm 2050 rồi giảm, dù tốc độ giảm chậm hơn so với kịch bản Net Zero 2050.