Dưới một góc nhìn nhỏ từ căn cơ, tôi ghi nhận: thảm họa ma túy cho giới trẻ không cường điệu, mà là một lời cảnh báo cho xã hội, nếu chúng ta không chung tay trị tận gốc nó.
Trong năm qua, hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy đã bị cơ quan chức năng triệt phá. Những cuộc truy lùng ma túy đã và đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên khắp các địa bàn trên cả nước.
Từ các tỉnh phía bắc như ở Sơn La. Đã có tới hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an thuộc Bộ Công an và công an tỉnh Sơn La phối hợp cùng xe bọc thép đã triệt phá thành lũy cuối cùng đường dây buôn lậu tại xã Lóng luông, huyện Vân Hồ. Cho đến đường dây ma túy ở TP HCM dưới tay một "hotgirl" đã bị triệt phá với bản án tử hình cho người cầm đầu, kèm theo một số bị cáo lãnh án từ 5-17 năm tù giam. Song song với đó, nhiều "ổ" ăn chơi, sử dụng ma túy khác với quy mô hàng trăm người cũng đã bị công an "truy quét" ở Hà Nội và Sài Gòn. Các tỉnh Hải phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ... cũng không là ngoại lệ.
Nhìn chung, những loại ma túy được tuồn vào nước ta không còn là một vài kg mà là hàng trăm, thậm chí hàng tấn.
Thực tế làm cho chúng ta lo ngại nhiều hơn hết là đa phần những kẻ mua bán cũng như người sử dụng ma túy đang ở độ tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn ở lứa tuổi 9x. Và những cuộc triệt phá ma túy của cơ quan chức năng, cũng như địa bàn hoạt động ngày càng nhiều hơn, càng có quy mô lớn hơn. Điều này cho thấy dù có phát hiện, triệt phá, xử lý hình sự hiệu quả tới đâu cũng chưa thể trị tận gốc "thảm họa" ma túy đang hủy hoại dần con người và đất nước ta, nếu không quan tâm đến cái gốc của vấn đề: gia đình.
Tôi rất đồng tình với những trăn trở của nhiều người: "Xa lánh gia đình sẽ gần ma túy". Điều tôi quan tâm nhất là ma túy dễ vướng vào nhưng rất khó ra. Có một lần tôi nghe một chuyên gia về ma túy tâm sự trên phương tiện truyền thông: "Hầu như trên 90% người được trở về từ trại cai nghiện đều tái nghiện".
Theo tôi để nói không với ma túy, phải chặn đứng nó ngay từ trong trứng nước, từ lúc trẻ chưa biết mùi ma túy. Thành lũy kiên cố nhất trước tiên phải là gia đình.
Tôi có người bạn trước đây sống ở TP HCM, hiện nay trở về quê sống cùng xóm. Anh này có đứa con biết ma túy khi mới vừa học lớp 11. Anh là chủ thầu các công trình xây dựng nên chuyện phải nay tỉnh này, mai huyện nọ, là chuyện đương nhiên không tránh được. Chị vợ là người buôn bán đường dài nên việc nhà khó quan tâm để mắt. Khi cả anh chị phát hiện thì cháu đã nghiện ma túy rồi.
Đưa cháu vào trại cai nghiện một thời gian cháu ra trại, lại tái nghiện. Anh chị đưa cháu về quê sống để cách ly nguồn ma túy, nhưng rồi cháu tái nghiện tiếp. Không đầu hàng, anh chị bỏ tiền xây căn phòng "thép" nhốt hẳn cháu. Bằng mọi cách cháu vẫn thoát ra được và tìm tới ma túy. Cuối cùng anh chị chỉ biết nhìn con mình...nghiện cho đến chết, cách nay vài năm.
Đạo đức xã hội đang ở vào thời kỳ bị thách thức nếu không muốn nói là "xuống cấp" vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Điều này là một trong nhiều nguyên nhân dẫn người trẻ đi đến con đường ma túy.
Nền tảng đạo đức gia đình ảnh hưởng rất nhiều trong việc hình thành đạo đức xã hội. Trong gia đình người con không hiếu kính với cha mẹ thì ra ngoài xã hội rất khó tôn trọng, giúp đỡ người lớn tuổi; anh em trong nhà không hòa thuận thì lúc ra đường dễ dàng gây sự với người chung quanh; vợ chồng sống thiếu sự chung thủy thì ngoài xã hội dễ phát sinh lối sống không tử tế, lăng nhăng với người khác; gia đình không là tổ ấm thì trẻ có khuynh hướng rời xa. Đó là con đường ngắn nhất đưa trẻ vào ma túy.
Những "tấm gương sống" xấu của người lớn trong gia đình sẽ ảnh hưởng xấu đến nhân cách, lối sống người trẻ và đưa chúng đến với ma túy.
Đạo đức gia đình không thể hình thành bằng cách lấy quyền lực làm cha mẹ, ông bà mà rao giảng lý thuyết suông, sử dụng bạo lực o ép con cháu phải thực hiện, mà phải thể hiện bằng cách noi gương: người lớn làm những tấm gương cho con trẻ.
Đạo đức gia đình là khuôn mẫu mà trong đó luôn có một quy luật bất thành văn, tất cả thành viên có trách nhiệm tự nguyện thực hiện. Nếu nói mỗi cá nhân là tế bào của gia đình thì mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Một xã hội ổn định, văn minh, tiến bộ nhất thiết phải tập hợp nhiều gia đình tử tế.
Giáo dục đạo đức trẻ trong gia đình thực sự không dễ dàng vì cho dù cha mẹ, ông bà đã thể hiện tấm gương tốt nhưng trẻ chưa chắc "noi theo". Nó đòi hỏi nhiều kỹ năng khác như quan tâm thấu hiểu, thông cảm sâu sắc đến từng tâm tư nguyện vọng của trẻ nhất là ở độ tuổi biến đổi tâm sinh lý, độ tuổi luôn muốn khẳng định mình khi chúng thường nóng vội khi chưa trải nghiệm cuộc sống, ý thức xốc nổi, bướng bỉnh rất dễ đưa trẻ tới trạng thái cực đoan thiếu suy nghĩ chính chắn, đi vào đường hư.
Gia đình cần nhìn lại và điều chỉnh lối sống phù hợp với truyền thống đạo đức như kính trên nhường dưới, thương yêu giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau, sống hòa thuận, sống vui, sống chung thủy. Không vì cơm áo gạo tiền khiến các thành viên sống chung trong một gia đình nhưng mạnh ai nấy sống cho riêng mình, người lớn quên quan tâm, chăm sóc trẻ. Những điều vô cùng nhỏ ấy nếu thực hiện tốt nó sẽ là bức tường thành vững chắc góp phần vào việc ngăn chặn trẻ tránh xa con đường ma túy.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.