Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), khi dịch bùng phát, các tỉnh thành đã thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến để tiếp nhận và điều trị F0 là chủ trương đúng đắn để chống đỡ đại dịch. Nhưng mỗi giai đoạn cần có chiến lược điều trị khác nhau và viện dã chiến không thể duy trì được mãi, nhất là hiện nay Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. "Muốn phòng chống dịch bệnh lâu dài, chúng ta cần xây dựng các trung tâm điều trị Covid thực sự", bác sĩ Hiếu nói.
Quan điểm này từng được ông đưa ra tại cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, chiều 18/10. Theo bác sĩ Hiếu, các địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao nên xóa bỏ khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến, hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà từ cấp xã, phường. Các khu cách ly tập trung, đặc biệt là cách ly F1 không còn phù hợp. Ông cũng đề xuất đóng cửa các bệnh viện dã chiến ở những vùng dịch đã suy giảm như TP HCM, Bình Dương,...
"Tuy nhiên, chúng ta cần nâng cấp các bệnh viện địa phương, nâng cao chất lượng y tế cơ sở và xây dựng trung tâm hoàn chỉnh phòng chống dịch bệnh lâu dài", bác sĩ Hiếu cho biết thêm. Giống như Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được xây dựng thần tốc nhưng không phải là tiêu chuẩn dã chiến mà là Trung tâm hoàn chỉnh để điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Hiện dịch tại các điểm nóng đã hạ nhiệt. Tại TP HCM, theo lộ trình thu hẹp, giải thể các bệnh viện Covid-19 của Sở Y tế thành phố, từ nay đến tháng 12/2021, hơn 80 bệnh viện tầng 1 và 2 sẽ đóng cửa hoặc chuyển đổi về công năng ban đầu. Các bệnh viện tầng 3 điều trị cho F0 nặng vẫn giữ nguyên. Riêng 3 bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 có trung tâm hồi sức (ICU) sẽ biến đổi thành bệnh viện dã chiến 3 tầng.
Tại Bình Dương, nơi ghi nhận số ca mắc cao thứ hai cả nước đã được Sở Y tế đánh giá an toàn với Covid-19 khi 91/91 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí bình thường mới (vùng xanh). Trong đó, Bệnh viện dã chiến Thới Hòa, thị xã Bến Cát - quy mô lớn nhất cả nước sẽ đóng cửa vào cuối tháng 10 để trả lại nhà xưởng cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng (Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội) cũng hướng tới xóa bỏ khu cách ly tập trung, yêu cầu cách ly tại nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Một số tỉnh đang có dịch bùng phát như Phú Thọ áp dụng cách ly F1 và F0 đủ điều kiện tại nhà, đồng thời đảm bảo đủ oxy, túi thuốc và các điều kiện cách ly khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho rằng, trong trường hợp tại địa phương vẫn còn nhu cầu thu dung điều trị một số lượng bệnh nhân Covid-19, có thể duy trì một số cơ sở được giao nhiệm vụ thường trực điều trị Covid-19.
Thực tế, mỗi địa phương đều có quy hoạch tổng thể mạng lưới các cơ sở điều trị trên cơ sở địa bàn, dân cư. Hiện, các bệnh viện dã chiến đã hoàn thành nhiệm vụ và tình trạng khẩn cấp không còn, các tỉnh thành có thể quay trở lại vận hành mạng lưới điều trị đã được quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn phải tính đến nguy cơ có thể dịch bùng phát trở lại và nhu cầu khẩn cấp đó có thể quay lại, nên việc giải thể bệnh viện dã chiến không hoàn toàn là phá bỏ mà là giải thể, chuyển đổi mục đích sử dụng của mặt bằng, hạ tầng, thiết bị về trạng thái bình thường và niêm cất những thiết bị chuyên dụng dành cho Covid-19.
Trường hợp các địa phương vẫn còn nhu cầu thu dung điều trị một số lượng bệnh nhân Covid-19, có thể duy trì một số cơ sở được giao nhiệm vụ thường trực điều trị Covid-19 trong một thời gian. Các bệnh nhân Covid-19 được tập trung về đây, số lượng nhân viên y tế phải tiếp xúc với F0 sẽ giảm...
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM) nói "vẫn còn quá sớm để xóa bỏ hoàn toàn hệ thống bệnh viện dã chiến", bởi nhiều nước trên thế giới đã bùng dịch trở lại sau một thời gian tiêm chủng và thực hiện sống chung với Covid-19, dẫn tới không có đủ cơ sở y tế để thu dung, điều trị bệnh nhân. Như ở Singapore, đã gỡ bỏ một số hạn chế để sống chung với Covid-19 từ giữa tháng 9, nhưng khi lượng bệnh nhân tăng nhanh, hệ thống y tế đã không thể đáp ứng, buộc nước này phải thành lập các trung tâm chăm sóc cộng đồng.
Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát trong một năm tới vẫn còn cao. Covid-19 còn có khả năng lây lan nhanh, mạnh, virus biến chủng nhiều, người tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể mắc, khác với các bệnh truyền nhiễm khác như lao, sởi, sốt xuất huyết, thủy đậu... Nếu không còn bệnh viện dã chiến, bệnh nhân Covid-19 có thể phải điều trị chung với các bệnh nhân truyền nhiễm khác. Từ đó, có thể gây lây lan dịch bệnh nhanh hơn và tốn kém nhiều cho quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giảm hiệu suất điều trị các bệnh thông thường.
Thực tế tại TP HCM, đa số bệnh viện không có hệ thống oxy âm tường. Khi phải điều trị Covid-19, lượng oxy lớn sẽ bị thất thoát, không sử dụng được các kỹ thuật như thở oxy dòng cao HFNC, hiệu quả chăm sóc kém do cần có người theo dõi lượng oxy liên tục, thay bình oxy, vận chuyển oxy. Chưa kể, cơ sở vật chất ở nhiều địa phương còn thiếu thốn, không có khả năng cách ly, cần phải vào các cơ sở điều trị và cách ly tập trung. Khi đó, các bệnh viện dã chiến phù hợp hơn so với các bệnh viện thông thường. Nhiều người già có nguy cơ nhưng không cần chăm sóc tại bệnh viện, có thể được chăm sóc tại bệnh viện dã chiến. Còn các bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng có thể được chăm sóc y tế tại nhà.
Do đó, ông Dũng đề xuất duy trì những cơ sở sạch sẽ, không nhếch nhác, tọa lạc ở khu vực riêng biệt, có hệ thống dẫn oxy y tế để điều trị, không trưng dụng từ cơ sở hạ tầng có sẵn, phải vay mượn thiết bị y tế và duy trì ở nơi tỷ lệ phủ vaccine chưa cao. Thời gian duy trì có thể một năm hoặc hơn.
Ngoài ra, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập, nâng cao tay nghề. Đây cũng là bài học lớn nhất từ đợt dịch vừa qua tại Bình Dương và nhiều tỉnh, thành khác. "Sống chung không có nghĩa là không điều trị khi có người nhiễm bệnh. Thậm chí, chúng ta phải chấp nhận số ca mắc gia tăng nhưng phải trong khả năng tiếp nhận của hệ thống y tế", PGS Dũng nói.
Thùy An - Chi Lê