Tết rồi, về quê, tôi có ghé chùa làng - nơi mình đã đi và gắn cả tuổi thơ ở đó. Chùa vẫn như xưa, với nét mộc mạc, bình yên.
Phật tử tới chùa: người già có, trẻ nhỏ có và cả thanh thiếu niên trong màu áo lam hiền hòa, học đạo, sống đời nhẹ nhàng vì hiểu nhân quả. Thầy trụ trì kể, ngoài khóa lễ tụng kinh hằng đêm, các ngày lễ vía Phật, Bồ tát, ngày rằm, mùng một và lễ lớn như Phật đản, Vu lan, thì chiều chủ nhật nào sân chùa cũng có mấy chục em thanh thiếu niên về sinh hoạt gia đình Phật tử, tạo nên sinh khí cho ngôi chùa.
Thầy chỉ ra khoảng sân rộng và nói: "Các em sinh hoạt ở đó, ngoài học hát, tập kỹ năng, thì còn được giáo dưỡng về đạo đức Phật giáo với nếp sống chủ đạo: biết làm lành, lánh dữ". Thầy khẳng định, khi đạo đức thấm vào trong nếp nghĩ, nếp sống thì con người sẽ ngăn được cám dỗ, có thể đứng vững trước khó khăn vì hiểu, đó cũng là cách kiến tạo cuộc sống tốt đẹp.
Tôi nói về hàng rào chùa đã hơi cũ, chánh điện đã mấy mươi năm. Nằm khiêm tốn giữa bao sự đổi thay của quê hương, chùa vẫn không khác mấy. Thầy từ tốn: "Ngôi chùa là địa chỉ văn hóa - tâm linh, gắn bó với đời sống người dân bao đời. Chùa cần thích nghi với thời đại, hiểu cuộc sống hiện đại để hướng dẫn con người phù hợp nhưng không tách rời giá trị cơ bản là sự giản dị, gần gũi. Người tu cũng vậy, dù xã hội hiện đại mấy cũng giữ nếp sống thanh bần. Còn ngôi chùa thì cần sự thanh tịnh, trang nghiêm dù là chùa mới hay cũ, to hay nhỏ...".
Tôi tâm đắc điều thầy nói. Quả thực, ngôi chùa từ bao đời như một trường học về đạo đức - nền tảng làm người tử tế, biết sợ điều xấu mà không làm, biết quý điều tốt mà nỗ lực. Nên chùa dù to hay nhỏ thì cũng phải mang chất liệu đó để người đến tìm cách soi lại chính mình.
Một nơi khác, không phải là chùa mà là một thất nhỏ nằm giữa xóm làng bình yên ở Nông Sơn (Quảng Nam), sư cô Tịnh Hòa về ở đó được mười năm.
Ngày ngày cô đọc kinh, hành thiền và cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân dân an lạc. Phật tử đến thất cô để tĩnh tâm trước lao xao cuộc sống. Điều đặc biệt, thất không có một thùng phước sương nào. Tôi hỏi: "Sao cô không đi nhận chùa? Sao ở thất không có thùng phước sương hay hòm công đức?". Cô vui vẻ chia sẻ: "Đó là hạnh nguyện của cô, mỗi người tu đều có hạnh nguyện: người muốn hành đạo với quần chúng đông, người thích lui về ở ẩn, một mình tu sửa bản thân. Hạnh nguyện nào cũng tốt".
Còn việc không có thùng phước sương, theo cô, vì cô chỉ cần ăn hai bữa, trong vườn tự trồng rau, cô có vạt ruộng nhỏ, vậy đủ rồi... Cái đủ của người tu nghe nhẹ hều, thương và quý. Như cô nói, mỗi người một hạnh, không có đúng sai, chỉ có phù hợp, nhưng quan trọng nhất là không sai lạc giới luật Phật dạy, có làm gì cũng đừng đánh mất. Ở mỗi cổng chùa (Tam quan), bên phải, bên trái - hai cổng phụ đều có hai chữ "Từ bi" và "Trí tuệ". Đó là hai điều mà mỗi người đến chùa (cư sĩ tại gia) và cả người phát tâm ở luôn trong chùa (xuất gia) cần phải thực tập để đạt được trong đời sống thường ngày.
Chính vì vậy, có lần Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhắc Phật tử rằng: "Nếu các vị nhớ, cả Trái Đất này là một ngôi chùa thì ngồi ở đâu, làm việc gì quý vị cũng đều khép mình lại, tu (sửa) tự thân để chuyển hóa tham - sân - si, trở nên nhẹ nhàng. Đó là quý vị đã chính thức bước vào ngôi chùa tâm linh, không còn kẹt ở ngôi chùa vật chất mà mình đi hằng ngày, hằng tuần với tên chùa cụ thể nào đó". Theo Hòa thượng, trên bước đường tu sửa bản thân, cần nhất là vào ngôi chùa tâm linh, không phải ở chỗ chùa vật chất.
Đức Hòa thượng cũng đã phân biệt "ngôi chùa tâm linh" chính là khi nếp sống thiện lành của Phật giáo thấm đẫm trong mỗi người; còn "ngôi chùa vật chất" là địa chỉ cụ thể được xây dựng bằng bê - tông để con người lấy đó làm "chốn về", làm "phương tiện" nhằm bước vào "ngôi chùa tâm linh".
Tôi nghe và thấm. Ngôi chùa vật chất cần có trong đời sống văn hóa - tâm linh của con người, để mỗi ngày chủ nhật các em thanh thiếu niên về học kỹ năng. Mỗi rằm, mùng một hay tối tối Phật tử tụ về đọc kinh trong tiếng chuông mõ yên bình, thanh thoát. Tôi tin, việc dựng lên một ngôi chùa để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân là chính đáng và cần thiết, góp phần tạo ra văn hóa đẹp của con người, định hình nếp sống của một cộng đồng.
Thường, một ngôi chùa được dựng xây từ tín tâm của người con Phật: mỗi người góp một ít, có nhiều làm nhiều, người dân, thiện tín cảm thấy ngôi chùa là công trình tập thể mà mỗi viên gạch không chỉ quy đổi bằng tiền mà còn gửi gắm niềm tin, sự chung sức, chung lòng. Ngôi chùa làng ở quê tôi được gom góp như vậy nên trở thành "tài sản chung", vừa mang giá trị vật chất với các công trình được xây lên, vừa mang giá trị tinh thần với niềm tin của bao người thầm lặng. Mỗi lần về chùa tôi cảm nhận như về nhà, vì thấp thoáng đâu đó trong từng góc chùa có mồ hôi của những người Phật tử thân thuộc. Mẹ tôi, một Phật tử thuần thành vẫn thường nhắc: "Nhớ để dành chút đỉnh cúng dường xây chùa, phụ thầy lo Phật sự, làm từ thiện nghe".
Nghĩ về lời mẹ dặn, tôi gọi đó là góp gạch xây ngôi chùa tâm linh bên trong mình, bằng cách bỏ bớt tham - sân - si, thực tập sẻ chia, buông xả... Xây cho được ngôi chùa tâm linh mới quan trọng, nếu không thì dù dựng ngôi chùa vật chất có lớn cỡ nào thì nơi ấy cũng lạnh lẽo, phải vậy không?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.