Tuổi thơ tôi gắn bó với một ngôi chùa và một ngôi đình, là nơi chúng tôi đã học lớp "vỡ lòng". Khuôn viên chùa khá rộng với rất nhiều cây cổ thụ rêu phong, mốc xung quanh.
Điện chính của chùa và hậu điện được đặt trong lòng hang đá. Đặc biệt, có một cây thị cổ thụ với những trái nhỏ vàng ươm, thơm phức rụng xuống gốc. Đây là món quà tặng quý giá cho những học trò đi học sớm.
Chúng tôi học trong một phòng học được nhà chùa cho mượn với tường gạch ẩm ướt, mốc meo. Khung cảnh ngôi chùa đã làm nên một ký ức tuổi thơ thật đẹp làm tôi cứ xao xuyến mỗi khi nghĩ về.
Cho đến khi nhà chùa không chịu nổi những trò "nhất quỷ nhì ma" của lũ học sinh thì chúng tôi được chuyển đến học ở một ngôi đình cũng cổ kính không kém.
Còn bây giờ, mỗi khi có dịp về quê và đi ngang qua cổng chùa, tôi cũng không dám ghé vào. Cổng chùa xưa đã bị phá và xây bằng cổng tam quan, lát đá hoành tráng, chuông và khánh cũng được thay mới to gấp nhiều lần cái cũ.
Sân chùa giờ được mở rộng và lát bê tông để xe 50 chỗ cũng cũng thể đi vào. Ngôi chùa cũ trong hang đá được giữ nguyên nhưng người ta xây gian chính điện ở vị trí mới với kích thước có thể chứa vài trăm người.
Những cây cổ thụ đã bị chặt đi để mở rộng sân và xây hồ bán nguyệt. Cảnh chùa lúc nào cũng như có lễ hội, đèn, cờ, hoa rực rỡ, đệ tử ra vào nườm nượp. Người ta đang kinh doanh các nghi thức như dâng sao giải hạn giá dịch vụ do ban quản lý chùa quy định.
Tôi không muốn bước chân vào đó vì muốn giữ lại những kỷ niệm xưa về một ngôi chùa cổ kính, một đoạn ấn tượng trong ký ức tuổi thơ tôi.
Còn việc họ bỏ tiền đầu tư để xây dựng chùa to đẹp hơn, hoành tráng hơn nhằm kinh doanh thì kệ họ. Ngôi chùa đó không còn trong tâm trí của tôi nữa.
Các ngôi chùa bê tông cốt thép sừng sững như các cao ốc mọc lên khắp nơi nơi: Trên đường 10 về Quảng Ninh, dọc theo huyện Thủy Nguyên, hàng loạt ngôi chùa to nhỏ, cổng tam quan hùng vĩ chả khác gì cung thành Huế, toàn bê tông cốt thép cả.
Việc xây chùa bê tông cốt thép xâm hại nghiêm trọng đến các di tích cổ tự, đến cảnh quan thiên nhiên như vụ làm cầu không phép cho dù có phá đi rồi cũng không thể khôi phục được.
Thật khó hiểu về cách người ta tư duy cho việc chùa chiền cứ phải xây đồ sộ như vậy, không hề có bản sắc kiến trúc Việt, ấy vậy vẫn cứ tự hào.
Phong trào xây chùa đã tốn công của của toàn xã hội, ai hô hào đóng góp làm đường, xây khu vui chơi cho trẻ nhỏ, ủng hộ thiên tai, giúp người dân nghèo, ...còn khó, trầy trật mới thu được mấy chục ngàn. Nhưng nói đến xây chùa thì người ít vài trăm, người nhiều cả tỷ, tôi không có ý phê phán tấm lòng phật tử nhưng thấy xót xa.
Tôi cho rằng mọi người hiểu sai bản chất của tu tập. Tôi cũng cho rằng Giáo hội phật giáo Việt Nam nên định hướng cho các tăng ni, phật tử giữ gìn bản sắc tốt đẹp của cha ông.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.