Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 20/11. Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ phó Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho hay, so với Luật hiện hành, cách tiếp cận và xử lý nội dung liên quan của Luật lần này toàn diện hơn, cụ thể hoá yêu cầu minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức và nhấn mạnh đến trách nhiệm giải trình của người đứng đầu.
Theo đó, người đứng đầu phải thường xuyên triển khai, đôn đốc các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong cơ quan mình; giải trình và chịu trách nhiệm liên đới tới các sai phạm, tham nhũng của cấp dưới.
Một điểm mới đáng chú ý của Luật này là quy định công khai các báo cáo, tiêu chí, công cụ về phòng, chống tham nhũng. Các tiêu chí đó được xây dựng trên cơ sở khách quan, khoa học và người dân có thể nhìn vào để đánh giá cơ quan phòng chống tham nhũng làm đúng hay sai, khách quan hay không khách quan.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, các vấn đề về kiểm soát cán bộ, công chức, đặc biệt là tài sản, thu nhập đã được đổi mới căn bản trong Luật. "Luật trước đây đã đề cập đến nội dung về minh bạch tài sản, thu nhập nhưng trên thực tế chưa thực sự quy củ và việc xác minh tài sản còn bị động. Với Luật mới, việc xác minh tài sản, thu nhập sẽ chủ động hơn", ông nói.
Cơ quan thanh tra được chủ động yêu cầu xác minh với những cá nhân, lãnh đạo có biến động tài sản bất thường khi kê khai; sử dụng cơ sở dữ liệu để theo dõi biến động tài sản, thu nhập.
"Trường hợp xác minh được những bất thường, cơ quan thanh tra, kiểm toán... sẽ làm rõ dấu hiệu vi phạm và chuyển sang cơ quan thuế hoặc cơ quan điều tra xử lý", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Để phục vụ việc này, Luật dành một tiểu mục quy định "cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập" và Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì xây dựng đề án trên phạm vi cả nước. "Đây là việc lớn và phải trải qua nhiều bước xây dựng, thiết kế hệ thống. Dự kiến cơ sở dữ liệu này sẽ đảm bảo cho khoảng 2 triệu bản kê khai lần đầu và các năm tiếp theo sẽ tập trung vào các chức danh quan trọng, từ giám đốc sở trở lên cũng như các vị trí dễ xảy ra tham nhũng", ông Tuấn Anh nói.
Theo ông, điều quan trọng là tích hợp cơ sở dữ liệu này với các hệ thống khác, như hệ thống tài khoản ở ngân hàng để chủ động đối soát khi cần thiết.
Cùng với đó, trong Luật đã quy định rõ trách nhiệm quản lý, khai thác dữ liệu và cơ quan nào được khai thác thông tin, đảm bảo chế độ bảo mật để tránh trường hợp dữ liệu bị lợi dụng. Hiện Thanh tra Chính phủ đang xây dựng các nghị định, thông tư để hướng dẫn cụ thể nội dung này.
Xây dựng lực lượng chuyên trách rà soát biến động tài sản, thu nhập
Thông tin về nội dung Luật giao Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên, ông Nguyễn Tuấn Anh nói, "nếu như trước đây Luật hoạt động theo cơ chế là các cơ quan tự quản lý và xử lý bản kê khai tài sản, thu nhập thì Luật này quy định rộng hơn".
Theo đó, Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh được quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ theo từng cấp. Các cơ quan này sẽ xây dựng đội ngũ chuyên trách làm nhiệm vụ rà soát thông tin, thu thập dữ liệu về biến động tài sản từ đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý.
Trả lời câu hỏi, "khi Thanh tra Chính phủ được giao quyền hạn như trên thì có cơ chế nào để tránh lạm quyền hoặc bao che cho cán bộ có sai phạm", ông Tuấn Anh cho hay, nếu đợn vị thanh tra khi xem xét dấu hiệu tham nhũng mà không phát hiện được hoặc bỏ lọt lỗi vi phạm, sau này cơ quan điều tra lại chỉ ra sai phạm thì đơn vị đó sẽ bị xử lý trách nhiệm tuỳ theo mức độ.
"Để tránh tình trạng bao che, bỏ sót nội dung vi phạm, Luật đã có các cơ chế cụ thể đối với người được trao thẩm quyền về thanh tra. Tất nhiên, ngoài các quy định liên quan thì cũng rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc giám sát", ông Tuấn Anh nói.
"Xác minh các giao dịch đáng ngờ thông qua ngân hàng"
Liên quan đến việc Luật lần này không có quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, Vụ phó Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho hay, đây là nội dung mà ngay từ khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến đã nhận nhiều quan điểm khác nhau. "Có người đồng tình là tài sản không rõ nguồn gốc thì phải đánh thuế hoặc xử lý qua đường toà án (nhằm thu hồi). Nhưng có người cho rằng nếu đánh thuế thì khác gì hợp thức hoá loại tài sản này hoặc chuyển qua toà án thì bao giờ mới thu được tài sản", ông nói.
Theo ông, việc Quốc hội chưa quy định nội dung này không có nghĩa là không có cách để kiểm soát được thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, vì trong Luật đã nêu rõ những biến động tài sản của người kê khai hàng năm sẽ được theo dõi trên hệ thống cơ sở dữ liệu; nếu có bất thường, cơ quan thanh tra sẽ vào yêu cầu giải trình, khi giải trình không được sẽ bị thanh tra, kiểm toán và có dấu hiệu vi phạm thì chuyển qua cơ quan điều tra.
Đơn cử, trường hợp một giám đốc Sở có tài sản biến động, thanh tra sẽ yêu cầu giải trình, nếu không giải trình được thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ tính chất, mức độ để xử lý theo các bước như kỷ luật hành chính hay hình sự.
Ngoài ra, để phòng tránh rửa tiền tham nhũng, tất cả giao dịch ngân hàng từ 300 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo cơ quan chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước để thống kê, kiểm soát. Với trường hợp giao dịch bằng tiền mặt qua ngân hàng từ 300 triệu đồng trở lên mà đáng ngờ, cơ quan phòng chống tham nhũng có quyền yêu cầu ngân hàng xác minh.
Cũng trả lời báo chí về nội dung trên, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp khẳng định, đối với việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giữa 2 lần kê khai mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì Chính phủ, Quốc hội "rất quyết tâm tìm tòi các giải pháp hữu hiệu, thiết thực để phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng".
Tuy nhiên, giải pháp đưa ra để xử lý loại tài sản này phải đáp ứng được các yêu cầu: Chặt chẽ về tính pháp lý; không làm ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ tài sản của công dân theo Hiến pháp; phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và tránh tính hình thức.
"Trong quá trình thảo luận, rất nhiều phương án khác nhau được đưa ra như: Thông qua thủ tục tại Tòa án để thu hồi tài sản này cho nhà nước; thu thuế thu nhập cá nhân; xử phạt hành chính với mức xử phạt nặng; hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính...", bà Nga cho hay.
Qua nhiều phiên họp thảo luận, ý kiến của đại biểu và cơ quan hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học pháp lý đều phân tích rất kỹ lưỡng dưới nhiều góc cạnh khác nhau và ý kiến rất phân tán, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Qua cân nhắc kỹ lưỡng, Thường vụ Quốc hội nhận thấy, không có phương án nào đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nêu trên.
"Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới", bà Nga nói.
Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, ở Việt Nam, tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau nên nhiều tài sản, thu nhập không còn giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội. Hệ thống thu thuế, đăng ký tài sản, thanh toán qua tài khoản chưa đáp ứng yêu cầu; pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản...
Với bối cảnh trên, việc xác định tính hợp lý hay không hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp. Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Qua cân nhắc thận trọng, do chưa đủ điều kiện chín muồi, chưa đạt được sự đồng thuận cao nên Quốc hội chưa đưa vào Luật quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc. "Nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới quy định vào trong luật", bà nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi "vậy tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc sẽ được xử lý thế nào?", bà Nga cho hay việc này pháp luật hiện hành đã có quy định. Cụ thể, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu; đồng thời nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo pháp luật về thuế.
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 10 chương 96 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.