Hội Tin học Việt Nam và trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore sẽ tổ chức Hội thảo Quốc tế về CNTT với chủ đề "Việt Nam: Khai phá tiềm năng CNTT - Tạo sức bật mới cho tăng trưởng và phát triển" vào ngày 3/12 tại Hà Nội.
Hội thảo sẽ công bố kết quả của chương trình nghiên cứu xây dựng Chỉ số thành phố thông minh cho 10 thành phố của Việt Nam, gồm Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nha Trang, Biên Hòa, Hạ Long, Vinh, Huế, Đà Lạt và Mỹ Tho.
Thành phố thông minh là những thành phố mà ở đó công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả cao trong quản lý hành chính, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng.
Việc xây dựng thành phố thông minh đang trở thành xu thế phát triển của thời đại. Nhiều khu vực trên thế giới đã bắt tay vào dự án thành phố thông minh như Seoul, New York, Tokyo, Thượng Hải, Singapore, Amsterdam... Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, trong đó thành phố Đà Nẵng, Hạ Long… đã triển khai ứng dụng CNTT-TT hướng tới xây dựng thành phố thông minh.
![xay-dung-chi-so-ve-muc-do-san-sang-cho-thanh-pho-thong-minh](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2015/10/22/smartcity-6013-1445526624.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SpptUSe54c0M7BUSx4fZLA)
Thành phố thông minh là xu thế trong thời đại kỹ thuật số.
Viện Tin học Nhân dân thuộc Hội Tin học Việt Nam đã phối hợp với các chuyên gia của trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Đại học Quốc gia Singapore xác lập bộ chỉ số để xác định mức độ sẵn sàng cho hành trình trở thành "thành phố thông minh". Trên cơ sở bộ chỉ số này, các nhà quản lý có thể nhận diện được mức độ "thông minh" của mỗi thành phố, hoạch định tầm nhìn và các ưu tiên cần tập trung đẩy mạnh, các rào cản phải vượt qua.
Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, tin rằng Hội thảo Quốc tế về CNTT năm 2015 sẽ giúp các chuyên gia, các nhà quản lý trao đổi sâu hơn về mục tiêu hướng tới thành phố thông minh của Việt Nam và nằm trong mục tiêu tăng cường hiệu quả ứng dụng CNTT tác động mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội.
"CNTT trở thành một động lực ngày càng mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Việt Nam nằm trong những nước đang phát triển đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong nâng cấp hạ tầng và thúc đẩy ứng dụng CNTT. Sự thực, Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để trở thành một quốc gia hàng đầu trong khai thác tiềm năng to lớn của CNTT, tạo nên những bước tiến vượt bậc cho công cuộc phát triển", PGS. TS. Vũ Minh Khương thuộc trường Chính sách Công Lý Quang Diệu nhận định.
Châu An