Ngày 4/5, làm việc với các cơ quan về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng thông qua app, cơ quan chức năng có thể tra cứu trực tuyến về giãn, hoãn đăng kiểm của chủ xe. Bộ Giao thông Vận tải cần kết nối dữ liệu để khắc phục tình trạng một phương tiện đăng ký kiểm định ở nhiều trung tâm hoặc một cá nhân đăng ký kiểm định nhiều phương tiện.
"Nghị định mới phải khắc phục được những bất ổn hiện nay, để đăng kiểm trở lại bình thường", Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị áp dụng cơ chế tự động gia hạn đăng kiểm đối với phương tiện đáp ứng các tiêu chí về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Theo Thông tư số 2/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, xe chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải sản xuất đến 7 năm được miễn đăng kiểm trong 36 tháng (trước đây là 30 tháng), chu kỳ kiểm định định kỳ là 24 tháng (tăng 6 tháng so với trước đây); xe sản xuất từ 7 đến 20 năm (trước đây là 12 năm) chu kỳ định kỳ 12 tháng.
Từ cuối tháng 4, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nghiên cứu phương án xác nhận bằng văn bản điện tử giãn chu kỳ đăng kiểm cho các xe này, để người dân không phải đưa ôtô đi kiểm định, không phải đến trung tâm để xác nhận chu kỳ mới.
Theo Phó thủ tướng, nghị định cần tách bạch chức năng cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm, đẩy mạnh phân cấp quản lý. Bộ Giao thông Vận tải phải quy định tiêu chí, điều kiện về bộ máy, trang thiết bị, quy trình đăng kiểm, làm căn cứ để địa phương thực hiện.
Trong các trường hợp được phép, đơn vị đăng kiểm Bộ Quốc phòng, Công an có thể tham gia đăng kiểm dân sự, thay vì chỉ hỗ trợ trong tình huống cấp bách. Cơ chế tài chính phải tính đúng, đủ theo giá thị trường, tạo điều kiện thông thoáng xã hội hóa đăng kiểm.
Phó thủ tướng gợi ý các cơ quan nghiên cứu phương án cho phép cơ sở bảo dưỡng ôtô 3S (có không gian trưng bày xe mới, dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng chính hàng) và 4S (có thêm chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng) của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và sản xuất, nhập khẩu ôtô trong nước tham gia kiểm định.
Bộ Giao thông Vận tải được giao xem xét chu kỳ đăng kiểm phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật của ôtô hiện nay; tăng cường các biện pháp hành chính, kỹ thuật với xe cũ; phân định yêu cầu kiểm định ôtô tư nhân và ôtô kinh doanh dựa trên số km thực tế và kiểm soát nghiêm ngặt hoán cải xe cơ giới.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Đăng Kiểm Việt Nam, cho biết dự thảo đã cho phép lực lượng đăng kiểm Bộ Công an, Quốc phòng hỗ trợ dân sự trong trường hợp cấp bách nhằm gỡ khó cho tổ chức, cá nhân. Số đăng kiểm viên tối thiểu trong mỗi dây chuyền cũng được đề xuất giảm nhằm giải quyết áp lực thiếu hụt nhân sự hiện nay.
Dự thảo quy định giảm thời gian thực tập nghiệp vụ với người có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô nhằm nhanh chóng thu hút nguồn lực phục vụ hoạt động của đơn vị đăng kiểm; bỏ quy định khống chế số xe kiểm định tối đa trong ngày để phát huy sự chủ động của đơn vị đăng kiểm.
Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, dự thảo đã tách bạch cung cấp dịch vụ đăng kiểm và quản lý nhà nước. Sở Giao thông Vận tải sẽ thanh tra, kiểm tra hoạt động đăng kiểm tại địa phương. Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra chuyên ngành toàn quốc.
GS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội, đề xuất huy động đội ngũ đăng kiểm viên đã nghỉ hưu, sinh viên ngành kỹ sư ôtô tham gia kiểm định xe cơ giới để xử lý tạm thời tình trạng thiếu đăng kiểm viên hiện nay.
Tình trạng quá tải đang diễn ra tại 184 trung tâm đăng kiểm ở 43 tỉnh, thành phố. Riêng hai tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình, mỗi tỉnh chỉ có một đơn vị đăng kiểm nhưng đều đang dừng hoạt động.