Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự Luật đặc khu hành chính đặc biệt. Các đại biểu đồng tình nên thiết kế chính quyền đặc khu theo mô hình không tổ chức UBND, HĐND và sẽ có trưởng đặc khu hành chính.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, bộ máy chính quyền đặc khu phải đảm bảo tinh gọn hiệu quả. "Cần trao quyền dứt khoát cho cá nhân mạnh mẽ, đừng hai mẹ hai cha, vừa địa phương vừa Trung ương quản lý là không được. Hiệu lực hiệu quả bắt nguồn từ chỉ đạo, quản lý của cấp trên. Tránh chuyện tập thể, trì trệ và chờ đợi nhau", ông nói.
Vị đại biểu Hải Dương cũng nhấn mạnh phải trao quyền tự do, dân chủ cho người dân nhiều hơn thì mới là mô hình mới. Dân chủ trực tiếp của người dân rất quan trọng, phải đặt cao hơn dân chủ đại diện mới giải quyết được sự quan tâm của người dân.
Rút kinh nghiệm khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất, khu công nghiệp... hiện đã quá nhiều, ông Kim nhấn mạnh: "Quản lý điều hành đặc khu rất cần bàn tay sắt, không có là không làm được".
Ông Kim bày tỏ sự tiếc nuối khi dự luật không hề nói đến tổ chức của Đảng. Theo ông, đổi mới hệ thống chính trị phải có Đảng, Nhà nước, nhân dân, phải nói được các cơ quan chuyên trách của Đảng được tổ chức như thế nào và mối quan hệ với Trưởng đặc khu ra sao.
Đáp lại lo lắng của đại biểu Kim, Bí thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cho biết, liên quan đến hệ thống chính trị, trong luật không nói rõ nhưng trong đề án của từng đơn vị nói rõ hệ thống chính trị. Ví dụ, Phú Quốc xây dựng trên có Trưởng đặc khu, dưới có hai phó đặc khu cùng 8 ban: tư tưởng văn hoá, ban tổ chức nguồn nhân lực, Uỷ ban Kiểm tra Thanh tra, văn phòng, ban Kinh tế tổng hợp, ban chính sách xã hội, ban Tài nguyên Môi trường, ban phát triển hạ tầng cùng cơ quan chung Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Đơn vị sự nghiệp là trung tâm hành chính công và trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch.
Bà Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho rằng ba vị trí được lựa chọn xây dựng đặc khu, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) đều có tiềm năng, lợi thế phát triển. Vấn đề còn lại là làm sao xây dựng được thể chế vượt trội để phát huy các tiềm năng, lợi thế này. “Qua lấy ý kiến người dân trên địa bàn, có 99% người được hỏi trả lời đồng thuận với đề án xây dựng đặc khu Vân Đồn”, bà Lan nói.
Về mô hình đặc khu, bà Lan bày tỏ đồng tình với việc không tổ chức UBND, HĐND và sẽ có trưởng đơn vị. Người này thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đại biểu Trần Văn Minh cũng ủng hộ thiết chế trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và không có UBND, HĐND. “Tuy nhiên, khi giao quyền lực cho cá nhân thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực”, ông Minh nói.
Đại biểu Giàng A Chu đồng ý không tổ chức HĐND, nhưng băn khoăn trước việc không có UBND. “Không lẽ cả một khu hành chính ở đó mà không có chính quyền?”, ông nói. Trước việc dự thảo Luật quy định trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, ông Giang A Chu nói "nên chăng đưa đơn vị này lên trực thuộc cấp trung ương chứ không chỉ cấp tỉnh như dự kiến ban đầu".
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền lo ngại trước việc dự thảo Luật phân quá nhiều quyền cho trưởng đặc khu, bên cạnh quản lý kinh tế còn về hành chính, quốc phòng, an ninh…, “liệu có quá sức không?”. Ngoài ra, theo ông Quyền, dự thảo Luật phân quyền mạnh song “khi có vấn đề về quốc phòng, an ninh trên địa bàn thì cấp tỉnh, cấp bộ vào cuộc như thế nào, hay vẫn quyền nằm trong tay của ông trưởng đặc khu?”.
Hướng về Trưởng ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, người ngồi cùng tổ thảo luận, ông Quyền cho rằng với mô hình đặc khu như dự thảo Luật thiết kế thì Trung ương phải cùng với tỉnh tìm được nhân sự đứng đầu đặc khu “thực sự xuất sắc mới đủ năng lực làm được”.
Đồng tình cần trao quyền cho Trưởng đặc khu, nhưng đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cơ chế đặc biệt việc bãi miễn thuyên chuyển do Thủ tướng quyết luôn không cần thông qua. “Tôi trao đổi với một số bộ thấy các bộ bị loại ra không còn thẩm quyền giám sát kiểm tra các đặc khu. Đồng ý đặc khu không nên chịu các đoàn kiểm tra liên tục hàng năm, nhưng vẫn phải chịu chung với các vấn đề mang tính quốc gia như môi trường. Anh Hà (Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường) nói tôi muốn có ý kiến gì về môi trường cũng không được”, ông Nghĩa cho hay.
Theo ông, Trưởng đặc khu được giao quyền đặc biệt nhưng cũng cần ràng buộc trách nhiệm đặc biệt. Trước những bài học phân cấp chính quyền địa phương vừa qua ông Nghĩa e ngại “không thiết kế kiểm soát quyền lực thì thành ra quá lỏng lẻo”.
Trước lo lắng về việc trao quá nhiều quyền cho Trưởng đặc khu, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trấn an, dự luật đã thiết kế 3 tầng nấc giám sát với Trưởng đặc khu. "Dự luật đã tính giải pháp tránh lạm quyền của Trưởng đặc khu rồi, các đại biểu cứ yên tâm", ông nhấn mạnh.
Hoàng Thuỳ - Hoài Thu