Sáng 10/11, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội về dự án Luật Hành chính Kinh tế đặc biệt.
- Trình Quốc hội dự Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại kỳ họp lần này, Chính phủ đặt ra kỳ vọng gì, thưa ông?
- Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ra đời với mong muốn tạo ra một sân chơi mới, thể lệ mới cho người chơi mới. Từ đó, đón nhận làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới.
Về chủ trương thì Nghị quyết Đảng và trong Hiến pháp đã có, nhiệm vụ bây giờ là luật hoá để thành lập các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, tạo ra những thể chế tốt nhất, vượt trội so với hệ thống pháp luật trong nước, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế.
Chúng ta cũng rút ra bài học kinh nghiệm về thất bại của các đặc khu trên thế giới, tranh thủ được mô hình tốt, cách làm tốt, xu hướng phát triển tốt; dựa vào điều kiện thực tế của Việt Nam trong việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp công nghệ cao của chúng ta 25 năm qua.
- Mục tiêu cụ thể khi đề xuất xây dựng ba đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) là gì, thưa ông?
- Phải thống nhất một nhận thức rằng đây là việc chúng ta chủ động đưa ra và tạo dựng nên để đón nhận hiệu quả làn sóng đầu tư của quốc tế và trong nước. Chúng ta chủ động đưa ra thì phải biết mình muốn gì, nhà đầu tư cần gì, từ đó đưa ra thể chế phù hợp. Những mô hình không hài hoà được các vấn đề này đều thất bại.
Ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đều có những ngành nghề ưu tiên phát triển, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và xu thế của quốc tế, cạnh tranh được trong thời kỳ mới. Ví dụ như ngành dịch vụ, công nghệ cao, y tế giáo dục, vui chơi giải trí, thương mại - những ngành có giá trị gia tăng cao.
Các mục tiêu tăng trưởng ở ba đặc khu này cũng đặt mục tiêu rõ là tốc độ bao nhiêu, đóng góp ngân sách bao nhiêu, thu nhập bình quân đầu người ra sao..., đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước và lợi ích địa phương, doanh nghiệp. Các con số cụ thể đã có trong từng đề án.
- Mô hình quản lý hành chính ở các đặc khu được thiết kế như thế nào, thưa ông?
- Đây là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, vì vậy, về tổ chức hành chính hay kinh tế đều phải đặc biệt. Hiện để dành quyền tự chủ cho các đặc khu, Chính phủ đưa ra hai phương án. Trong đó có mô hình không tổ chức HĐND, UBND và sẽ có trưởng đơn vị. Người này thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn. Điều này không trái Hiến pháp và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Mục đích là làm sao để dành quyền tự chủ, chịu trách nhiệm, thẩm quyền trong điều hành hàng ngày của trưởng đơn vị.
Tuy nhiên khi uỷ quyền nhiều, phân cấp, phân quyền nhiều cho trưởng đặc khu thì chúng ta phải có cơ chế giám sát đi kèm.
Ban soạn thảo, Chính phủ cũng đã tính đến phải có giám sát từ UBND cấp tỉnh, HĐND tỉnh, giám sát từ các Bộ ngành trung ương của Chính phủ theo ngành dọc và theo chiều ngang. Như vậy sẽ có cơ chế giám sát lại các cơ quan của đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt và trưởng đơn vị.
- Nguồn lực tài chính để đầu tư cho ba đặc khu được tính toán ra sao?
- Khi thành lập các đơn vị này, chúng ta tạo ra một không gian, thể chế cạnh tranh để người ta vào đầu tư, từ làm hạ tầng đến kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, phát triển các dự án.
Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu Chính phủ không tham gia hỗ trợ thì rất khó để hình thành một số cơ sở hạ tầng ban đầu. Vì vậy, trong thiết kế lần này, chúng ta có tiếp cận là nhà nước sẽ hỗ trợ một phần, là vốn mồi để hình thành một số cơ sở hạ tầng. Từ đó lôi kéo, thúc đẩy nhà đầu tư.
Đây là bộ luật rất khó, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực và nó có phạm vi ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống pháp luật của Việt Nam. Có người đã nói rằng, đây là bộ luật có một số vấn đề có thể vượt trên các luật khác và chỉ dưới Hiến pháp.
Đặc khu có thể chế mới, tuy nhiên xây dựng đặc khu không ảnh hưởng đến vấn đề cốt lõi là đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia và bảo vệ môi trường.