Dự thảo Luật Đường bộ dành một chương riêng quy định về cao tốc, bổ sung nhiều điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ 2008. Theo đó, đường cao tốc chỉ dành cho xe cơ giới, có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, có hàng rào bảo vệ và chỉ cho xe cơ giới ra vào ở những điểm nhất định.
Khi xây dựng, ngoài đường chính, cao tốc phải được đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình như: Đường gom (hoặc đường bên), trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, bãi đỗ xe, hệ thống thu phí không dừng, công trình kiểm soát tải trọng xe.
Trạm dừng nghỉ trên cao tốc sẽ được xây dựng theo quy chuẩn, cung cấp các dịch vụ cho người tham gia giao thông, hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa, cung cấp nhiên liệu cho phương tiện. Nếu cao tốc do nhà nước đầu tư thì trạm dừng nghỉ được đầu tư cùng theo hình thức đầu tư công, hoặc lựa chọn nhà đầu tư đấu thầu theo quy định.
Đối với dự án cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), chi phí xây dựng các trạm dừng nghỉ không có mục đích kinh doanh được tính trong tổng mức đầu tư dự án. Với hạng mục kinh doanh, nhà đầu tư tự bố trí vốn và nộp tiền vào ngân sách theo quy định.
Dự thảo nêu rõ trung tâm quản lý, điều hành giao thông được xây dựng đồng thời với cao tốc để quản lý, điều hành cho một hoặc một số tuyến cao tốc kết nối, cung cấp thông tin phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, xử lý vi phạm hành chính. Trung tâm gồm nhà làm việc, hệ thống thiết bị công nghệ để lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị thông tin về tình hình giao thông trên tuyến.
Trên dọc tuyến cao tốc lắp đặt các thiết bị công nghệ để thu thập thông tin giao thông hoặc cung cấp thông tin cho người tham gia. Chi phí quản lý, vận hành và bảo trì trung tâm quản lý, điều hành giao thông cao tốc được tính trong chi phí quản lý, bảo trì đường.
Đối chiếu theo dự thảo trên, một số dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn một hiện nay còn thiếu trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí không dừng, kiểm soát tải trọng xe...
Theo dự thảo, nhà nước được quyền thu phí sử dụng cao tốc do nhà nước đầu tư, quản lý và khai thác, gồm các đường được đầu tư theo hình thức đầu tư công và dự án được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho nhà nước. Nguồn thu từ phí sử dụng cao tốc được cơ quan quản lý đường bộ nộp vào ngân sách nhà nước. Dự án cao tốc cũng có thể nhượng quyền kinh doanh, chia sẻ doanh thu cho nhà nước.
Góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng hiện nay cao tốc Việt Nam có nhiều đoạn đầu tư phân kỳ, đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, có 2 hoặc 4 làn xe. Những đoạn cao tốc đầu tư phân kỳ này sẽ được nâng cấp hoàn chỉnh, tuy nhiên thời gian kéo dài hàng năm hoặc hàng chục năm do phụ thuộc vào nguồn vốn, kinh phí đầu tư.
Do đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị bổ sung quy định về tổ chức giao thông, khai thác các đoạn đường cao tốc phân kỳ đầu tư, tương ứng với cấp kỹ thuật của đường bộ cấp 2, cấp 3 đồng bằng.
Hiện dự thảo chưa quy định nội dung trên, chỉ đề cập cho phép phân kỳ đầu tư các dự án cao tốc dựa trên nhu cầu vận tải, khả năng nguồn lực, cấp quyết định chủ trương đầu tư. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô làn xe quy hoạch.
Dự thảo Luật Đường bộ đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 cuối năm 2023, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm nay.