Rất ít cầu thủ được xem như "HLV tương lai" từ khi còn chơi bóng như Xavi, và điều này có cơ sở. Ông là một triết gia bóng đá thực thụ, với tầm ảnh hưởng lối chơi lớn hơn bất kỳ cầu thủ nào tại bất kỳ CLB nào kể từ thời Johan Cruyff.
Trên sân cỏ, ông là một cầu thủ đặc biệt thông minh, với khả năng thấu hiểu cuộc đấu trí chiến thuật đang diễn ra quanh mình, biết tìm ra khoảng trống và khiến đối thủ rời bỏ vị trí. Bất chấp thể hình hạn chế và ưu tiên làm những thứ giản đơn thay vì những pha bóng hoa mỹ, Xavi vẫn trở thành tiền vệ hiệu quả nhất thế giới nhờ bộ não bóng đá siêu việt. Ở ngoài sân cỏ, ông sẵn sàng tranh luận với các HLV về những quyết định chiến thuật, như cách đề xuất Vicente del Bosque đổi từ chiến thuật ưa thích 4-2-3-1 sang sơ đồ 4-3-3 mang đậm dấu ấn Barca. Trong sơ đồ 4-2-3-1, Xavi phải chơi ở vị trí số 10 trái sở trường, dù vậy ông vẫn tỏ ra xuất chúng.
Như Pep Guardiola của thế hệ trước hay những tiền vệ cùng thời Mikel Arteta và Xabi Alonso, trí thông minh là điều khiến Xavi trở thành một cầu thủ hàng đầu và cũng là thứ dẫn dắt ông vào con đường huấn luyện. Thứ khiến nhiệm vụ của Xavi trở nên khó khăn chính là tầm ảnh hưởng của ông khi còn là cầu thủ. Vào năm 2008 - thời điểm Guardiola được bổ nhiệm làm HLV Barca và ghi nhận bước chuyển mình của Xavi trở thành một trong những cầu thủ hay nhất châu Âu - vẫn tồn tại một cuộc chiến về các trường phái triết lý bóng đá.
Trong khi Tây Ban Nha và Barca cố gắng phổ biến lối chơi kiểm soát bóng, các đối thủ lại tập trung vào phòng ngự phản công. 13 năm sau, bóng đá đã thay đổi hoàn toàn khi hầu như mọi đội bóng lớn từ cấp đội tuyển tới CLB đều hướng đến thứ bóng đá Tây Ban Nha và Barca từng chơi. Xavi là cá nhân giàu sức ảnh hưởng nhất giới cầu thủ trong làn sóng chơi bóng đá kiểm soát ấy, do vậy phong cách huấn luyện của ông sẽ tạo ra ít sự riêng biệt so với Guardiola năm 2008.
Khó có thể kể ra một cầu thủ nào từng ảnh hưởng tới bóng đá tới mức độ này, kể cả "Thánh" Johan. Cruyff là hiện thân của thứ bóng đá tổng lực thập niên 1970, nhưng không phải đội bóng nào cũng muốn học theo lối chơi này. Trong khi đó, hầu như mọi đội bóng đều muốn chơi tiki-taka theo một cách nào đó.
Ở tuổi 41, Xavi đã có kinh nghiệm huấn luyện đội bóng Al Sadd vài năm tại giải vô địch Qatar (QS). Trước đó, ông từng chơi bóng bốn năm cho đội bóng này để chuẩn bị cho con đường huấn luyện. Mùa trước, Xavi đã đưa đội bóng gặt hái thành công với cú đúp vô địch quốc nội bất bại, nhưng phép thử thực sự nằm ở lối chơi hơn là kết quả của Al Sadd.
Cựu HLV Heimir Hallgrimsson của Al Arabi chia sẻ với The Athletic: "Thứ mà anh ấy học được tại đây là điều duy nhất anh ấy còn thiếu: làm người chỉ huy. Về triết lý hay lối chơi, Xavi có lẽ đã sẵn sàng từ trước khi đến đây. Nhưng anh ấy đã có bước đi đúng đắn khi tới Qatar để học. Trong nghề huấn luyện, bạn sẽ chẳng bao giờ biết mình có sẵn sàng hay không mà chỉ có cách xắn tay vào việc".
Cách Al Sadd chơi bóng cho thấy những điều khán giả có thể kỳ vọng ở một đội bóng do Xavi dẫn dắt. Thủ thành Meshaal Barsham thuận cả hai chân và được khuyến khích kiên nhẫn với cách triển khai bóng, ngay cả khi mắc lỗi. Điều này gợi nhớ tới cựu thủ môn Carles Busquets - trò cưng của Cruyff tại Barca và là cha của đội trưởng Sergio Busquets hiện tại.
Dù Xavi từng thử nghiệm nhiều sơ đồ, công thức phổ biến nhất là năm cầu thủ tấn công trải đều trên sân kết hợp cùng ba trung vệ và hai tiền vệ trung tâm. Đây có thể được xem là sơ đồ 3-2-2-3 hoặc 3-2-4-1. Hai trung vệ được khuyến khích rê bóng lên tuyến trên bất cứ khi nào có cơ hội. Bàn mở tỷ số của Hasan Al-Haydos trước Al Rayyan tháng trước là một ví dụ, với đường chuyền từ trung vệ Tarek Salman. Anh nhận bóng trong vòng cấm địa đội nhà, đi bóng lên trước khi tung ra đường chọc khe từ giữa sân.
Cặp tiền vệ trung tâm chủ yếu chơi đúng vị trí và phân phối bóng ngắn, trong khi hai tiền vệ công phía trên là những số 8 tự do và thường xuyên chạy chỗ tìm khoảng trống. Tiền vệ Santi Cazorla là một ngôi sao hoàn hảo giúp Xavi áp đặt lối chơi.
Trong khi các đội bóng Barca trong quá khứ thưởng sử dụng các cầu thủ bám biên để kéo giãn lối chơi, Xavi lại sử dụng những tiền vệ cánh bám vào trong để dứt điểm như cách Arjen Robben từng tung hoành. Ở cánh phải, cựu cầu thủ West Ham Andre Ayew đóng vai trò của Robben, trong khi ở cánh trái Akram Afif đảm nhiệm vai trò tương tự. Afif cũng là cầu thủ khả dĩ nhất có thể chơi tại một giải lớn châu Âu trong đội hình Al Sadd hiện tại.
Trên hàng công, Baghdad Bounedjah từng lập kỷ lục với 39 bàn trong 22 trận tại giải Qatar trước khi Xavi được bổ nhiệm. Nhưng trong 43 trận dưới thời Xavi, Bounedjah "chỉ" ghi 36 bàn khi phải đóng vai trò lùi sâu để kết nối lối chơi và tạo cơ hội cho những cầu thủ tấn công khác.
Có 50% các pha đá phạt góc của Al Sadd được đá ngắn theo đúng cách Xavi thích khi còn chơi bóng. Tuyến trên Al Sadd không gây sức ép lớn, có lẽ một phần do thời tiết khắc nghiệt tại Qatar nhưng bù lại, tuyến tiền vệ luôn khiến đối thủ bị bao vây.
Nhưng câu hỏi quan trọng là liệu những chi tiết kể trên có ý nghĩa gì hay không? Liệu giải QSL có... tí chất lượng nào không? Theo đơn vị tư vấn Twenty First Group, trình độ trung bình một đội bóng QSL tương ứng hạng bốn hoặc năm giải Tây Ban Nha, hoặc tương đương một đội hạng trung giải League Two ở Anh.
Về phần Al Sadd, đội bóng này được đánh giá tương đối chất lượng và sánh ngang một đội nhóm giữa giải hạng hai Tây Ban Nha. Nhưng với sự chênh lệch như vậy, Al Sadd đương nhiên phải thống trị giải Qatar và dễ dàng đánh bại các đối thủ. Do đó, khó có thể đánh giá trình độ chiến thuật của Xavi trong môi trường này.
Một điều thú vị giai đoạn hậu treo giày của Xavi là vai trò sáng lập công ty Kognia Sports Intelligence đặt trụ sở tại Barcelona. Đây là đơn vị phát triển phần mềm để phân tích các trận đấu dựa trên ba máy quay được đặt trên sân vận động. Như vậy, Xavi có thể tới Barca với phần mềm phân tích và đội ngũ phân tích của chính ông.
Tại đây, ông sẽ thấy một tập thể thua sút trầm trọng về chất lượng so với thời mình còn chơi bóng. Ở tuyến dưới, những đồng đội cũ Busquets, Gerard Pique và Jordi Alba đang ở buổi hoàng hôn sự nghiệp song vẫn là những cầu thủ hay nhất của Barca trong thất bại trận Clasico gần đây trước Real Madrid. Hàng công thiếu đi những cầu thủ đẳng cấp thế giới sau sự ra đi của Lionel Messi, dù còn một tài năng đặc biệt Ansu Fati.
Tuyến giữa sẽ là nơi Xavi đặt dấu ấn nhiều nhất. Bên cạnh Busquets là Frenkie de Jong, người có tiềm năng trở thành một nhạc trưởng tạo nên đột phá. Cầu thủ 18 tuổi Pedri đã thăng tiến không ngừng và chơi tuyệt hay tại Euro 2020, trong khi tài năng 17 tuổi Gavi thậm chí đã trình làng tuyển Tây Ban Nha và gây ấn tượng mạnh trước Italy. Với sự dìu dắt đúng đắn, các cules có thể mơ về một cặp Xavi và Iniesta mới.
Và dù những Eric Garcia, Oscar Mingueza và Riqui Puig chưa thể hiện được phẩm chất thuyết phục để trở thành những cầu thủ đá chính dài hạn cho Barcelona, Xavi nhiều khả năng vẫn sẽ đặt niềm tin vào những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB.
Ngày nay, nhiều đội bóng lớn tự thuyết phục bản thân mình rằng họ có lối chơi truyền thống cần được dẫn dắt bằng một cựu cầu thủ. Kết quả của những mối lương duyên đó có cả thành công lẫn thất bại, nhưng nếu có một sự kết hợp nào đó có thể hái quả ngọt, nhiều khả năng chỉ có thể là Xavi trên ghế thuyền trưởng Barca.
Thịnh Joey (Theo The Athletic)