Đường dây tội phạm do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP HCM), Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cầm đầu vừa bị Công an Đồng Nai phối hợp Bộ Công an triệt trá hé lộ lượng xăng "khủng" bị nhập lậu, làm giả, tiêu thụ ra thị trường trong suốt thời gian dài. Nhà chức trách ước tính có đến hơn 200 triệu lít xăng bị nhóm tội phạm liên tỉnh này làm giả, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Công thức chế xăng giả của băng nhóm này chưa được công bố, song cơ quan điều tra tình nghi họ đã sử dụng cách mà đường dây Trịnh Sướng đã làm trước đó. Bởi thành viên đường dây này, bị can Lê Thanh Trung, ngụ Cần Thơ, từng là đàn em thân tín của đại gia xăng dầu miền Tây.
Theo đó, để tạo ra xăng A95 giả, nhóm tội phạm pha 30% dung môi với 50% xăng A95 thật, còn lại là chất tạo màu vàng; hoặc dùng dung môi trộn với một phần nhỏ xăng nền A95 và chất kích Ron, chất tạo màu. Đối với loại E5, họ sẽ dùng 35% dung môi, 40% xăng nền A95, còn lại là chất kích RON, chất tạo màu.
Theo PGS TS Nguyễn Đình Quân, Trưởng phòng thí nghiệm Nhiên liệu sinh học và Biomass (Khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa TP HCM), việc pha dung môi với hóa chất làm xăng giả có thể khiến nhiên liệu bị kích nổ sớm trong buồng đốt, gây rung lắc, xung gãy động cơ của các phương tiện. "Bản thân chúng còn có thể bị nhựa hóa, nhiệt phân hay cháy không hoàn toàn tạo ra cặn bẩn làm tắc nghẽn béc phun, làm thoái hóa các chi tiết phi kim loại", ông Quân cho hay.
Dung môi được sử dụng pha xăng giả là các sản phẩm hữu cơ tạp thu được trong quá trình chưng cất dầu mỏ, có chỉ số RON rất thấp (chỉ khoảng 60). Nó chỉ được dùng trong các sản phẩm công nghiệp như pha trộn với sơn, sản xuất gỗ, thuộc da chứ không được dùng để tạo thành xăng dầu.
Ông Quân phân tích, bản chất của xăng dầu là chất lỏng hữu cơ hydrocarbon, nên có thể hòa trộn với rất nhiều các chất lỏng hữu cơ khác. Về mặt lý thuyết, việc pha trộn dung môi với các hóa chất có thể làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong. Do đó, người làm xăng giả lợi dụng điều này để trộn một phần những chất hữu cơ (dung môi) rẻ tiền hơn vào xăng, trục lợi phần giá thành chênh lệch. "Khối lượng càng lớn thì thu lợi càng nhiều. Điều này cũng giải thích vì sao các vụ làm xăng giả bị phát hiện thường có quy mô rất lớn", ông Quân nói.
Là chuyên gia công nghệ kỹ thuật ôtô, PGS TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) cho biết, nhiều đoạn hệ thống dẫn nhiên liệu của xe, kim phun, đầu ống gắn với bơm xăng... được làm bằng cao su. Các chi tiết này được tính toán để chịu được xăng thật. Tuy nhiên, khi dùng xăng giả, dung môi nhiều, các gioăng cao su sẽ nở ra gây hiện tượng xì, rò rỉ xăng. "Xăng bị rò rỉ, chỉ cần gặp một tia lửa điện cũng có thể phát cháy, dễ dẫn đến các vụ cháy nổ ở bãi xe chung cư, nơi công cộng", ông Dũng phân tích.
Quan điểm này, từng được Bộ trưởng Công an - Đại tướng Tô Lâm, nêu ra trong quá trình điều tra đường dây của Trịnh Sướng.
Ngoài ra, xăng giả cũng làm cho tuổi thọ xe máy giảm đáng kể. Mặc dù được "bơm" các chất phụ gia nhưng chỉ số octane của xăng giả cũng không thể bằng xăng thật. Do đó, khi sử dụng xăng giả, xe dễ xảy ra hiện tượng kích nổ, gây ra sóng áp suất mạnh. Các chi tiết về cơ khí như pittong, bạc, dên... dễ bị cong, mòn, hư hại.
Cũng theo PGS Dũng, các ôtô hoặc xe máy đời mới đều có bộ lọc khí thải, có tác dụng trung hoà khí thải từ động cơ, sinh ra các chất không độc thải ra môi trường. Trong khi đó, các chất dung môi, phụ gia được được pha vào xăng giả khi bị đốt cháy tạo ra khí thải làm vô hiệu hoá hoặc làm hư bộ lọc khí thải.
"Điều này sẽ gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn, nhất là khi người làm xăng giả sử dụng acetat chì - chất hiện đã bị cấm, để pha vào xăng nhằm tăng chỉ số octane", ông Dũng nói.
Chuyên án 920G được Công an Đồng Nai lập cuối năm 2020 từ những phản ánh xăng kém chất lượng từ người dân. Tối 6/2, với sự hỗ trợ của Cục cảnh sát Hình sự, hơn 500 cán bộ chiến sĩ từ nhiều hướng bất ngờ ập vào ụ nổi giữa sông Hậu, bắt quả tang nhiều người đang pha chế xăng giả. Cùng lúc, 13 địa điểm khác ở Đồng Nai, TP HCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng bị khám xét, hàng loạt người liên quan bị bắt.
Chiều 31/3, thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho biết, do vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, "có sự tham gia của một số cá nhân trong hệ thống"... nên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng đã quyết định đưavào diện theo dõi, chỉ đạo.
Hiện, Công an Đồng Nai đã khởi tố 52 người về các tội Buôn lậu; Sản xuất buôn bán hàng giả; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Ngô Văn Thụy (cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) bị điều tra hành vi Nhận hối lộ.
Vật chứng thu giữ là 14 tàu thuỷ, 10 xe bồn, 13 ôtô, hàng triệu lít xăng và hóa chất pha chế xăng giả; trên 123 tỷ đồng, 15 sổ tiết kiệm, 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kê biên hàng chục tài khoản với số tiền trên 200 tỷ đồng...
Hiện, việc quản lý xăng dầu do nhiều bộ ngành tham gia. Trong đó, Bộ Công thương có chức năng chính là chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành, giám sát giá xăng dầu; bảo đảm nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng; phát triển hệ thống phân phối, bảo đảm cho sản xuất, tiêu dùng. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ có vai trò quản lý chất lượng, pha chế.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia – QCVN1 năm 2015 của Bộ khoa học Công nghệ, xăng (không chì) phải đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản về trị số octane (RON), hàm lượng chì và các thành phần hóa chất khác theo quy định tại Mục 2 của QCVN1. Các loại phụ gia sử dụng để pha xăng phải đảm bảo phù hợp với các quy định về an toàn, sức khỏe, môi trường và không được gây hư hỏng cho động cơ và hệ thống tồn trữ, vận chuyển và phân phối nhiên liệu.
Việc nhập khẩu, sản xuất, pha chế trong nước phải được đánh giá chứng nhận sự phù hợp với các chỉ tiêu kỹ thuật tại QCVN1 và thực hiện các thủ tục theo các quy định quản lý hiện hành trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Việc đánh giá, chứng nhận xăng do tổ chức chứng nhận được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định hoặc thừa nhận thực hiện.
Hải Duyên – Mạnh Tùng