Chiều 31/3, trả lời báo chí về vụ 200 triệu lít xăng giả vừa được công an tỉnh Đồng Nai triệt phá, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết, ngày 18/3 thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng đã quyết định đưa vụ án "đưa hối lộ, nhận hối lộ, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ" xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Theo ông Xô, ngày 8/2, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án này với các tội danh "buộn lậu, sản xuất buôn lậu hàng giả, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ không nộp ngân sách nhà nước" theo điều 188, 192 và 203 bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra bước đầu phát hiện "có tình trạng buôn lỏng quản lý, bảo kê, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, xăng dầu giả".
"Ngày hôm nay cơ quan công an đã khởi tố 52 bị can về tội buôn lậu, một bị can về tội nhận hối lộ", ông Xô nói và cho biết, vật chứng thu giữ 14 tàu thuỷ, 10 xe bồn, 13 xe ôtô, hàng triệu lít xăng và hóa chất pha chế xăng giả, trên 123 tỷ đồng tiền mặt, thu giữ 15 sổ tiết kiệm, 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cơ quan công an cũng niêm phong hàng chục cây xăng, bồn chứa xăng; phong tỏa, kê biên hàng chục tài khoản ngân hàng với số tiền trên 200 tỷ đồng.
"Điều này cho thấy hoạt động buôn lậu diễn ra rất lâu, trên quy mô rộng, có sự tham gia của một số cá nhân trong hệ thống (thường gọi là "bảo kê") nên rất khó khăn trong phá án", người phát ngôn Bộ Công an nói.
Vì vậy, khi công an Đồng Nai phát hiện dấu hiệu vi phạm đã báo cáo lãnh đạo Bộ. Bộ trưởng và Thứ trưởng - thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, đã trực tiếp chỉ đạo. "Để đánh án này, Bộ đã cử một Phó cục trưởng Cảnh sát hình sự có hàng chục năm đánh án ở phía Tây Bắc, mới được phong Anh hùng, đưa lực lượng vào đánh án ở vùng sông nước miền Tây và đã thành công", ông Xô cho hay.
Theo ông Xô, những kẻ phạm tội đã có nhiều thủ đoạn như tiêu hủy chứng cứ, chống lại cơ quan điều tra, hoặc đưa hối lộ với thủ đoạn khác nhau. Ví dụ như hối lộ thì không gặp trực tiếp mà quy định một điểm hộp thư chết, hàng tháng, một người đưa cục tiền đến và người khác sẽ nhận; hoặc là sử dụng tài khoản thông nhau, người này lập tài khoản, người kia có thể rút tiền...
Ngày 17/2, công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Ngô Văn Thụy - Đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) về tội nhận hối lộ.
"Đó là đầu mối trong hệ thống và cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tiếp trên địa bàn nhiều tỉnh, đặc biệt là khi vụ án đã đưa vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo, theo dõi", ông Xô nói.
Hồi giữa tháng 2, Lê Thành Trung, 38 tuổi, chủ hàng chục công ty, bị Công an Đồng Nai bắt khẩn cấp với cáo buộc "phù phép" hóa đơn cho đường dây làm 200 triệu lít xăng giả giữa sông. Trung bị bắt sau quá trình mở rộng điều tra đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP HCM), Trần Ngọc Thanh (46 tuổi, quê Đồng Tháp) và Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, quê Vĩnh Long) cầm đầu.
Trung được cho là mắt xích quan trọng trong đường dây, có vai trò lớn ở giai đoạn hậu kỳ, tức là "phù phép" hóa đơn để hợp thức hoá xăng giả khi tiêu thụ.
Liên quan vụ án, hiện Công an Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam 36 người về các hành vi: Buôn lậu; Sản xuất buôn bán hàng giả và Mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Theo cơ quan điều tra, đường dây này sử dụng tàu biển có trọng tải lớn, nhập xăng từ phao số 0 đưa vào ụ nổi ở Vĩnh Long chế tạo xăng giả. Ước tính khoảng một triệu lít xăng giả được đưa ra thị trường mỗi ngày từ "lò" pha chế giữa sông Hậu. Tính từ tháng 8/2020 đến khi bị bắt, nhóm nghi phạm đã cung cấp ra thị trường hơn 200 triệu lít.
Hoàng Thùy - Viết Tuân