Theo Reuters, các kỹ sư bắt đầu quá trình cứu hộ chưa từng có trong lịch sử vào sáng qua bên bờ biển đảo Giglio, phía tây Italy. Họ đã bơm không khí vào 30 thùng kim loại lớn được gắn bên thân của con tàu gần 115.000 tấn. Không khí đã đẩy nước ở trong sườn tàu ra và nâng tàu nổi lên khoảng 1,8 m từ cấu trúc đỡ nó dưới đáy biển.
"Con tàu được neo lại bằng các tàu kéo. Có hai tàu sẽ kéo nó về phía đông", Franco Porcellacchia, trưởng dự án cứu hộ tàu, nói.
Dự kiến ngày 21/7 tới, du thuyền dài 290 mét sẽ bắt đầu hành trình dài vài ngày về cảng Genoa với tốc độ di chuyển khoảng 3 km/h. Tại đây, du thuyền trị giá 570 triệu USD sẽ bị tháo dỡ thành sắt vụn.
"Tôi phải nói rằng tôi rất hài lòng khi tất cả công việc kỹ thuật được chuẩn bị trước đã diễn ra rất, rất chính xác, vì nếu không chúng tôi sẽ không thực hiện đúng kế hoạch được", ông Michael Thamm, giám đốc hãng Costa Cruise, công ty sở hữu du thuyền, nói.
Sau khi Costa Concordia rời khỏi bờ biển đảo Giglio, lực lượng cứu hộ sẽ bắt tay vào cuộc tìm kiếm thi thể của một bồi bàn người Ấn Độ, nạn nhân mất tích cuối cùng của vụ chìm thuyền.
Tuy nhiên, những hóa chất, nhiên liệu và chất thải độc hại mà con tàu để lại suốt hai năm rưỡi ngâm mình dưới biển có thể gây nguy hiểm cho môi trường hải dương xung quanh.
Video diễn biến du thuyền nổi trở lại:
Tàu Costa Concordia đâm phải đá ngầm và bị lật nghiêng sát đảo Giglio hồi tháng 1/2012. Có 32 người trong số hơn 4.000 hành khách trên tàu đã thiệt mạng, khiến vụ tai nạn được ví như "Titanic của Italy". Thuyền trưởng của Costa Concordia, ông Francesco Schettino, bị cáo buộc bỏ tàu trước khi thủy thủ đoàn và các hành khách được giải cứu.
Tháng 9 năm ngoái, du thuyền được nâng thẳng trở lại sau một quá trình cứu hộ kéo dài 19 tiếng. Nó được đặt trên một nền thép dưới nước có kết cấu đặc biệt suốt gần một năm qua. Tổng chi phí mà Costa Cruise bỏ ra để cứu hộ và tháo dỡ Costa Concordia cũng như xử lý môi trường ở đảo Giglio dự kiến lên tới hơn 2 tỷ USD.
Anh Ngọc