Theo CNN, vụ trục vớt tiêu tốn ít nhất 400 triệu USD này do công ty Titan ở Florida, Mỹ, và công ty Micoperi của Italy thực hiện sau 16 tháng chuẩn bị. Cuộc trục vớt dự kiến bắt đầu vào lúc 6h sáng (giờ địa phương) nhưng đã bị hoãn lại ba tiếng, do ảnh hưởng của một cơn bão ở đảo Giglio đêm qua.
Trong quá trình trục vớt dự kiến kéo dài 10 tiếng, một hệ thống dây cáp gắn kết với các máy bơm thủy lực sẽ nâng con tàu bị lật nghiêng thẳng đứng lên, qua một góc 70 độ. Toàn bộ con tàu sẽ nằm trên một hệ thống bao gồm hàng nghìn túi chứa xi măng và cấu trúc thép được chôn chặt dưới đáy biển.
30.000 tấn thép đã được dùng để tạo nên cấu trúc đỡ tàu và một số bộ phận khác. Số thép này nặng gấp 4 lần trọng lượng của tháp Eiffel. Nếu được trải ra, 6 nền thép này sẽ bao phủ một diện tích gấp 1,5 lần kích cỡ của một sân bóng đá. 1.180 bao xi măng được chèn vào khoảng trống giữa các cấu trúc thép để hỗ trợ việc nâng đỡ con tàu. Chúng sẽ được di dời cẩn thận sau khi quá trình trục vớt hoàn thành để trả lại tình trạng tự nhiên cho đáy biển.
Sau khi phần bị ngập nước của con tàu được sửa chữa, các hộp kim loại ở bên mạn tàu sẽ được bơm đầy khí, giúp tàu nổi lên mặt nước.
Quá trình cứu hộ tàu Costa Concordia sẽ được giám sát dưới nước bằng 5 tàu ngầm không người lái, được gọi là các phương tiện điều khiển từ xa. Chúng có gắn camera để ghi và gửi hình ảnh về một phòng điều khiển được thiết lập trên một xà lan gần mũi tàu.
Giới chức Italy tự tin "100%" rằng cuộc trục vớt con tàu, dài gần 300 mét và trọng tải 114.500 tấn, sẽ thành công. Tuy nhiên, thảm họa chìm tàu được ví như Titanic của Italy sẽ chưa kết thúc ở đó. Đội cứu hộ vẫn sẽ phải đợi thêm vài tháng để mùa đông qua đi, trước khi kéo nó về một cảng biển gần đó và tháo dỡ.
Đời sống hàng hải và vùng biển hoang sơ của đảo Giglio cũng sẽ mất nhiều năm để trở về nguyên trạng. Hòn đảo là một phần trong công viên quốc gia thuộc khu bảo tồn biển lớn nhất ở Địa Trung Hải.
Ngoài việc trục vớt, đội cứu hộ sẽ tiếp tục tìm kiếm thi thể của hai hành khách thiệt mạng trong xác con tàu trị giá 570 triệu USD.
Video mô phỏng việc giải cứu Costa Concordia:
Tàu Costa Concordia đâm phải đá ngầm và bị lật nghiêng sát đảo Giglio, phía tây Italy, hồi tháng 1/2012. 32 người trong số hơn 4.000 hành khách trên tàu đã thiệt mạng.
4 thành viên thủy thủ đoàn và một nhân viên công ty chủ quản Costa Cruises đã bị kết án tù hồi tháng 7 vì chịu một phần trách nhiệm trong vụ tai nạn. Thuyền trưởng của Costa Concordia, ông Francesco Schettino bị cáo buộc bỏ tàu trước khi thủy thủ đoàn và các hành khách được giải cứu. Ông vẫn đang bị xét xử tội ngộ sát và gây thiệt hại lớn cho tàu. Phiên tòa dự kiến tiếp tục vào cuối tháng này.
Anh Ngọc