Tôi biết được thông tin trái ngược với dự đoán này từ một bạn làm ở mảng phân tích tin tức của một công ty bán dữ liệu cho trường đại học. Vị trí của bạn thường nằm trong một nhóm nhỏ có chức năng phân loại tin tức rồi tổng hợp thành dữ liệu để bán. Trong các nhóm này, kỹ sư công nghệ, chuyên gia dữ liệu làm các công việc liên quan đến lập trình, mà nay sử dụng nhiều AI, còn các bạn phân tích thì đưa ra quyết định về tin tức, từ khóa, hay đặc tính để chọn tin, những gì cần xử lý khi qua thuật toán.
Công cụ AI được dùng để tóm tắt báo cáo của các nhà phân tích, biên bản họp của ngân hàng trung ương, bài phỏng vấn trên báo... Đây là các sản phẩm mà khách hàng có nhu cầu rất cao. Trước đây, công ty bạn triển khai hạn chế vì sức người có hạn. Giờ thì có trợ lý AI, năng suất được nâng lên nhiều.
Khi các công ty cung cấp dữ liệu có thể kiêm luôn phần tóm tắt thông tin, thì nhu cầu mua các bản tin tóm tắt thị trường từ một số bên nghiên cứu độc lập sẽ giảm đi. Những bài báo chỉ đơn thuần tóm tắt thông tin thị trường sẽ không còn nhiều giá trị. Phóng viên tài chính vì vậy phải viết bài sâu hơn, không thể lười biếng tổng hợp vài thông tin từ nhiều nguồn nữa. Vai trò đó sẽ dần được đảm nhận bởi một tổ hợp người kết hợp với trợ lý AI.
Một ví dụ như vậy đủ đưa lại cảm giác về sự thay đổi do tác động của AI tới thị trường việc làm. Một mặt, AI sẽ làm mất đi một số công việc. Ví dụ gần nhất là Klarna, một nền tảng tín dụng tiêu dùng kiểu mua hàng trước trả tiền sau mà người Australia và châu Âu rất quen thuộc, cho biết, việc ứng dụng trợ lý AI vào chăm sóc khách hàng giúp "giải phóng" được 700 người làm toàn thời gian; các vấn đề được giải quyết trong 2 phút thay vì 11 phút trước đây. Nghĩa là Klarna không cần thuê mướn nhiều người chăm sóc khách hàng nữa, sẽ tăng cường đầu tư vào AI, thuê nhân sự biết phát triển AI và làm việc với nó.
Ví dụ khác là sau khi ứng dụng Sora ra đời, cho phép người dùng tạo video chỉ với vài câu mô tả, Tyler Perry, một nhà sản xuất phim ở Mỹ, đã dừng dự án mở rộng studio trị giá 800 triệu USD. Alibaba thì tung ra AI cho phép một ảnh tĩnh đưa lên có thể... hát được. Tiềm năng của nó sẽ trực tiếp đe dọa các TikToker ở Trung Quốc, như một phân tích trên Caixin Global. Ở thị trường tỷ dân này, việc ứng dụng AI để livestream bán hàng đã không còn là chuyện lạ.
Thị trường việc làm sẽ thay đổi. Những câu chuyện trên một mặt cho thấy AI đang thay thế con người trong một số công việc, mà đa số là đơn giản, ai cũng làm được. Mặt khác, AI sẽ tạo ra công việc mới nhờ nâng cao năng suất, thỏa mãn nhu cầu trước đây có mà không đáp ứng được.
Năm 2022, nhà kinh tế David Autor và đồng sự công bố một nghiên cứu cho biết 60% việc làm trong năm 2018 là những vị trí không hề tồn tại trong năm 1940. Một báo cáo của Goldman Sachs vào tháng 3/2023 cho biết 85% số việc làm mới trong 80 năm qua là nhờ tiến bộ công nghệ tạo ra.
Có hai luồng quan điểm khi đọc những thông tin này. Một, là quan điểm lạc quan, chỉ ra "đó, sẽ có nhiều việc làm mới hơn". Hai, là quan điểm bi quan, cho rằng những nghiên cứu này phớt lờ số việc làm bị mất đi, chỉ phân tích con số việc làm mới tạo ra.
Đây là loại tranh luận không mới. Thực tế đã có một giai đoạn mà thay đổi công nghệ tạo ra sức ép cho các chính phủ. Trong một bài báo trên tạp chí MIT Technology Review tháng 12/1938, Karl Compton, chủ tịch Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) khi đó, cho rằng không có cơ sở để nói công nghệ gây thất nghiệp ở quy mô cả ngành công nghiệp, và các tiến bộ mới đã tạo ra rất nhiều ngành nghề mới. Quan điểm của Compton mâu thuẫn với nhận định của Tổng thống Franklin Roosevelt trong bài phát biểu trước Quốc hội lúc bấy giờ, thừa nhận nước Mỹ chưa tìm ra cách tạo công ăn việc làm cho lượng lao động dư thừa nhanh do các tiến bộ công nghiệp.
Mâu thuẫn ở đây xuất phát từ việc các việc làm mới đòi hỏi kỹ năng rất khác so với những gì người bị thất nghiệp do công nghệ có thể cung cấp. Kỹ năng lập trình, làm việc với AI là những gì người ta không được đào tạo. Không thể biến một công nhân dây chuyền sản xuất thành kỹ sư AI sau một đêm.
Điều này chỉ ra nhu cầu cấp thiết đối với tái đào tạo và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động. Các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm xã hội với những lao động bị mất việc bằng cách giúp họ nâng cao kỹ năng. Trung Quốc, Singapore, Mỹ và Bắc Âu đều đang có những chương trình như vậy. Nhưng quan trọng là hiệu quả.
Ví dụ, những khóa học căn bản về AI đang tràn ngập trên mạng ở Trung Quốc. Tìm kiếm "lớp học AI" trên Taobao, nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc, cho thấy hơn 4.000 sản phẩm liên quan, trong khi trên Douyin, các tài liệu đào tạo AI được cung cấp với giá 99-999 nhân dân tệ (14-139 USD). Nhiều lớp học quảng bá rằng AI sẽ giúp người học dễ kiếm được việc hay lợi nhuận. Thực tế thì, trào lưu này, cũng giống như thời kỳ bùng nổ dạy tin học văn phòng cơ bản, sẽ sớm tạo ra một lượng lớn người có kỹ năng cơ bản giống nhau, và không đảm bảo giải quyết được vấn đề.
Vậy người lao động có thể chuẩn bị gì trước diễn biến này? Một, là học chuyên sâu các kỹ năng về AI và tìm cơ hội đổi nghề, làm một vị trí lương cao, đang được săn đón. Hai, chính là nâng cao kỹ năng hiện có, không biết "lớt phớt và hời hợt nữa", cụm từ mà lãnh đạo một doanh nghiệp ở TP HCM nói với tôi khi kể về một số ứng viên trẻ nộp đơn vào công ty anh.
Một đại diện của công ty kiểm toán Big4 thế giới khi đến Đại học Bristol bàn về đổi mới chương trình dạy kế toán, nói: "các bạn chưa cần dạy về AI nhiều, vì thực tế tụi tui vẫn chưa biết sẽ ứng dụng ra sao". Thay vào đó, anh nhấn mạnh phải dạy sinh viên biết tò mò, tìm hiểu, không sợ sai. Vì nếu là AI hay bất cứ cái gì mới áp dụng, nhóm nhân lực trẻ sẽ phải đi đầu tìm hiểu, các công ty muốn vậy.
Tổng hợp lại là phải đào sâu, tò mò, không lơ mơ. Đây là thứ mà nhiều sinh viên đang thiếu, như tôi từng đề cập trong bài viết cũ - "Xác sống giảng đường". Nay cũng có nhiều "xác sống công ty", làm cho qua chuyện, không tìm hiểu kỹ công việc mình làm, không đào sâu các kỹ năng, hỏi gì về công việc cũng chỉ lơ mơ.
Nhóm người lơ mơ trong học tập và làm việc, sẽ rất nhanh thôi, đối diện với rủi ro bị AI thay thế.
Hồ Quốc Tuấn