Trong nghiên cứu này, nhóm chuyên gia phát triển thứ tạm gọi là "mồi" để phát hiện các gene đặc thù với virus Ebola trong mẫu máu hoặc dịch cơ thể khác. RNA - một phân tử sinh học quan trọng trong quá trình mã hóa gene, sẽ được tách ra từ bất kỳ virus nào hiện có trong mẫu máu, sau đó được sử dụng để tổng hợp DNA của virus và đun nóng ở nhiệt độ 65 độ C.
Nếu có sự hiện diện của virus Ebola, DNA đặc thù của virus sẽ được phát hiện trong 30 phút dưới tác động của "mồi". Các hiệu ứng phụ từ quá trình này sẽ khiến chất lỏng có màu đục, cung cấp thông tin xác nhận chính xác hơn về sự tồn tại của virus Ebola.
Giáo sư Jiro Yasuda và nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nagasaki cho biết chi phí để ứng dụng quá trình này cũng rẻ hơn so với hệ thống đang được sử dụng ở Tây Phi, nơi virus Ebola đã khiến hơn 1.500 người thiệt mạng. Đây là phương pháp đơn giản và có thể ứng dụng ở nhiều quốc gia, nơi mà thiết bị thử nghiệm đắt đỏ vốn không có sẵn.
Theo AFP, phương pháp phát hiện Ebola hiện nay được gọi là phản ứng dây chuyền polymerase hay PCR, với các quá trình làm nóng và làm lạnh mẫu nghiên cứu nhiều lần. Quy trình này thường kéo dài khoảng hai giờ.
Bệnh Ebola dễ dàng lây truyền qua tiếp xúc với dịch của cơ thể. Đợt bùng phát dịch trong thời gian qua đã nâng mức cảnh báo đáng báo động trên toàn thế giới.
Linh Anh