Các thành viên của bộ tộc Yukagir phát hiện xác con bò rừng (Bison priscus) ở khu vực phía bắc Siberia vào năm 2011. Phần xác nguyên vẹn sau đó được đưa đến Viện Khoa học Yakutia.
Nhóm nghiên cứu cho rằng con bò rừng rừng này chết khi khoảng 4 tuổi, có thể vì đói. Nó thuộc loài đã tuyệt chủng, tổ tiên của bò rừng hiện đại ngày nay.
Xác bò rừng từng được tìm thấy trong nhiều năm qua, tuy nhiên đây là phần cơ thể có bộ phận gần như hoàn toàn nguyên vẹn với hệ tiêu hóa, mạch máu và tim. Albert Protopopov, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết đây là lần đầu tiên mô não của bò rừng được tìm thấy trong tình trạng nguyên vẹn.
Theo Live Science, ngoài phân tích não bộ, các nhà khoa học sẽ kiểm tra cơ quan nội tạng và các mô. Dữ liệu này có thể dùng để so sánh với các loài hiện đại. Nghiên cứu giải phẫu, sinh lý học và di truyền học sẽ cung cấp thông tin về lối sống và hành vi của loài Bison priscus, từ đó giúp nhóm chuyên gia tìm ra nguyên nhân tuyệt chủng.
Các phát hiện trước đó ở Bắc Mỹ hay Siberia chủ yếu là một phần xác động vật, thường bị ăn mòn hay phá hủy dưới tác động của thời gian khi bị chôn vùi dưới băng giá hàng nghìn năm.
Linh Anh