The Moscow Times cho hay, phát hiện này được ghi nhận ở khu vực gần sông Belaya của Siberia. Hóa thạch được chia thành ba nhóm khác nhau, gồm các phần xương nhỏ, hộp sọ bị vỡ, các phần xương khác và răng. Khi tập hợp lại, toàn bộ phần xương bao phủ khoảng 1,5 m2.
Theo giả thiết của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Irkutsk, đây là một con voi ma mút con, có thể đã bị con người săn bắt và ăn thịt. Nó trở thành mục tiêu của thợ săn khi bị bỏ lại phía sau đàn. Dựa trên kết quả phân tích mẫu xương, họ xác định con voi này sống cách đây khoảng 25.000 năm.
Việc tìm thấy các hóa thạch có thể giúp giới chuyên gia phục dựng lịch sử tiến hóa của voi ma mút - loài voi cổ đại đã tuyệt chủng.
Tại khu vực khai quật cổ ở làng Malta, thuộc vùng Irkutsk, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy xương của một con tê giác có lông, cùng nhiều hiện vật được làm từ đá và xương.
Linh Anh