Hơn 17h ngày đầu tháng 6, tiếng đóng dấu cộp cộp, lật giấy sột soạt không dứt ở Văn phòng UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Với chị Nguyễn Thị Như An (35 tuổi) và nhiều cán bộ ở đây, ca làm việc thứ ba mới chỉ bắt đầu. Riêng thứ 3 và 5, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tiếp dân đến 18h30 để phục vụ thêm cho công nhân.
Trước năm 2021, chị An chỉ phụ trách tiếp nhận hồ sơ hộ tịch - tư pháp, đôi khi phải làm quá giờ, nhưng chưa bao giờ áp lực như hiện nay. Từ khi UBND xã tinh giản biên chế, cả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính từ 35 người chỉ còn 5. Chị phải kiêm thêm việc báo cáo cải cách hành chính hàng tháng để đỡ công việc cho khối văn phòng.
Mỗi ngày xã Vĩnh Lộc A tiếp nhận khoảng 350 hồ sơ hành chính gồm địa chính - xây dựng, hộ tịch, sao y - chứng thực. Việc nhiều, cán bộ thiếu, hệ quả là người dân phải chờ hàng giờ chỉ để làm thủ tục sao y - chứng thực. Xã chỉ có hai cán bộ để nhập dữ liệu, kiểm tra pháp lý hồ sơ, đóng dấu vuông, đối chiếu, sao lưu, rồi trình lãnh đạo ký, đóng dấu tròn, sau đó thu phí, trả hồ sơ cho dân.
"Có hồ sơ hạn ba ngày nhưng nếu không xử lý hết trong ngày, để tồn sang hôm sau là làm không kịp. Hôm nào tôi về nhà trước 18h30, mọi người trong gia đình đều thấy lạ", chị An nói.
Nữ chuyên viên văn phòng cho biết cô hầu như không có thời gian cho gia đình hay cuộc sống riêng. Từ ngày vào làm công chức tại UBND xã Vĩnh Lộc A năm 2008, chị chỉ nghỉ phép đúng một lần khi ba mất. Bốn ngày nghỉ chưa hết, cấp trên đã gọi chị vào làm báo cáo vì cơ quan quá thiếu nhân sự, không có người làm thay. "Nghĩ cũng tủi thân nhưng vì thời gian cấp bách, đồng nghiệp ai cũng nhiều việc không thể chia sẻ khó khăn", chị nói.
Với hơn 167.000 người, Vĩnh Lộc A là xã đông dân nhất TP HCM, bằng nửa dân số tỉnh Bắc Kạn và tương đương dân số quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, số biên chế xã này được giao là 36 (11 cán bộ, 11 công chức, 14 người hoạt động không chuyên trách). Trong khi, Bắc Kạn được giao 1.489 biên chế công chức, gấp hơn 41 lần; quận Phú Nhuận được có tối đa 436 cán bộ cho 13 phường - gấp 12 lần.
Theo Nghị định 34/2019, TP HCM phải cắt giảm 2.299 cán bộ không chuyên trách ở phường, xã. Trước đây, Vĩnh Lộc A có hơn 60 cán bộ, nhưng từ đầu năm 2021 chỉ còn 36 người. Địa bàn đông dân càng thêm khó khi chính sách tăng cán bộ trên quy mô dân số cũng bị bãi bỏ.
Tính theo biên chế, trung bình mỗi cán bộ, cấp xã của thành phố phục vụ khoảng 850 người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ này chênh lệch rất lớn giữa 312 xã, phường, thị trấn. Nếu tại Vĩnh Lộc A, mỗi cán bộ xã "gánh" 4.569 người dân, thì ở phường An Lợi Đông (TP Thủ Đức), mỗi cán bộ chỉ phục vụ 43 dân, ít hơn 106 lần.
Khó khăn của Vĩnh Lộc A là điển hình cho 48 xã, phường có dân số trên 50.000 người - gấp hơn ba lần quy mô dân số theo tiêu chuẩn (15.000 người, theo Nghị quyết 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Trong đó, 6 xã, phường có trên 100.000 dân.
Ông Lê Văn Thinh, nguyên Bí thư quận Bình Tân - quận có số dân cao nhất TP HCM, kể lại khi xã, phường phải trở thành "pháo đài" chống dịch thì địa phương này mới "thấm đòn" vì dân số quá đông. "Thời điểm giãn cách xã hội, mỗi phường trung bình phải chăm lo 80.000 dân mà chỉ có tối đa 36 cán bộ. Khối lượng công việc quá nhiều, nhân viên cơ sở làm không xuể", ông nói.
Khi Covid-19 bùng phát, áp lực quá lớn khiến hai lãnh đạo phường ở Bình Tân xin nghỉ. Ban Thường vụ Quận ủy phải cử người xuống hỗ trợ từng phường để giải tỏa áp lực, san sẻ trách nhiệm. "Nhiều tối gọi hỏi thăm tình hình, anh em bảo 'anh ơi, bây giờ đầu em rỗng tuếch', mình không dám nói nữa", ông kể. Khi đó, là Bí thư quận ủy nhưng ông Thinh "không dám" phê bình cấp dưới mà chỉ nhắc nhở, động viên vì "sợ anh em xin nghỉ".
Theo ông Thinh, dân số quận Bình Tân là hơn 800.000 người với 10 phường, còn Bình Thạnh hơn 478.000 người có tới 20 phường. Quy mô dân số khác nhau, khối lượng công việc cũng chênh lệch lớn, nhưng chế độ của cán bộ lại như nhau. Chưa kể, lãnh đạo, cán bộ được phân công, tuyển dụng với trình độ làm nhiệm vụ cỡ phường, nhưng thực tế phải giải quyết công việc quy mô ngang quận là quá tầm.
Sợ cán bộ nghỉ việc không chỉ là mối lo của các địa phương trong đại dịch, mà ngay cả khi cuộc sống trở lại bình thường. Dù đã xoay xở nhiều cách để giảm tải cho cán bộ, UBND xã Vĩnh Lộc A vừa phải giải quyết cho hai trường hợp nghỉ việc theo nguyện vọng là cán bộ văn phòng và kế toán, đến giờ chưa có người thay. "Anh em bị ảnh hưởng sức khỏe, lại không có thời gian cho gia đình nên xin nghỉ. Công việc quá tải, lương không cao, mình níu kéo nhưng chẳng có gì để thuyết phục họ ở lại", một lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A nói.
Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm, nói số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phường, xã được phân bổ theo Nghị định số 34 trên cơ sở phân loại đơn vị hành chính. Tuy nhiên, quá trình áp dụng chưa phù hợp với các địa bàn đông dân và có địa hình rộng, tính chất phức tạp, quá trình đô thị hóa nhanh.
TP HCM nhiều lần kiến nghị Bộ Nội vụ cho chính sách riêng nhằm tăng người hoạt động không chuyên trách cho địa bàn cơ sở. Thế nhưng, các đề xuất của thành phố không được chấp thuận. Lý do, dân số chỉ là một trong những tiêu chí phân loại phường, xã nên không đủ cơ sở để tăng số lượng cán bộ không chuyên trách.
Theo bà Thắm, thành phố thực tế phải giảm biên chế tới hai lần. Bởi theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về thực hiện chính quyền đô thị, thành phố không tổ chức HĐND phường nên phải giảm 249 biên chế là phó chủ tịch HĐND phường. Do đó, Nghị định 34 quy định tổng số cán bộ, công chức tối đa không quá 37 người mỗi phường (loại 1), nhưng thực tế, TP HCM chỉ có thể giao biên chế tối đa 36 người mỗi phường.
Ngoài ra, trong 13 chức danh quy định cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã phường, nhiều địa phương không còn đất nông nghiệp nên không cần vị trí Phó chủ tịch Hội Nông dân. Vì vậy phường lại phải giảm thêm một biên chế. Dù chưa dùng hết các biên chế này, thành phố cũng không thể sử dụng để bố trí chức danh khác.
"Trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP HCM, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất để có phương án tổ chức bộ máy cán bộ phù hợp từng địa phương", bà Thắm cho biết.
Trong lúc chờ những kế hoạch này thành hiện thực, những nhân viên phường xã như chị An vẫn tiếp tục cống hiến hơn 10 giờ một ngày cho công việc mức lương hơn 6 triệu đồng mỗi tháng. Nhìn sang đồng nghiệp ở những địa bàn ít dân, chị không khỏi chạnh lòng khi họ có thời gian dành cho bản thân, gia đình, thậm chí đi học nâng cao năng lực. "Công việc nhiều, áp lực vô cùng, có khi tôi cũng muốn buông, nhưng nếu mình nghỉ thì xã không có người làm", chị An nói.
Thu Hằng - Khánh Hoàng