Từ hôm thành phố siết giãn cách, anh Huỳnh Văn Hải, tổ trưởng tổ 30, khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12 luôn trong tình trạng thiếu thời gian để hoàn thành công việc. Việc làm không xuể cùng với tiếp xúc nhiều, nguy cơ mang mầm bệnh về gia đình nên anh quyết định mang chiếu gối lên trụ sở khu phố ở.
5h ngày 2/9, anh Hải nhận tin nhắn một nhà hảo tâm tặng rau, trứng, gạo cho người khó khăn. Chưa kịp ăn sáng, hai người trong tổ dân phố đánh xe đến chở về, chia thành 50 suất kịp phát cho người ở trọ ngay trong ngày. Tránh phát trùng, anh rà lại danh sách, ưu tiên các hộ nhận hơn 7 ngày trước, lương thực đã cạn. Chưa kịp chuyển quà xuống dân, anh nhận điện thoại của phường đề nghị mời các hộ lao động nghèo đến trụ sở khu phố nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Gần 13h, cả nhóm mới ăn bữa đầu tiên trong ngày, sáng trưa gộp làm một. Uống vội ngụm nước, anh và một đồng nghiệp lại lên xe chuyển quà xuống các hộ khó khăn. Một vài lao động tự do chưa nhận tiền hỗ trợ, thấy tổ trưởng liền níu áo hỏi lý do, số khác nhờ mua giúp hộp sữa cho con, chai nước rửa chén, thuốc điều trị bệnh. Anh Hải rút giấy bút thủ sẵn ghi từng món hàng, hẹn tối giao.
Tổ dân cư 30 có hơn 2.600 người, trong đó 430 phòng trọ với gần 1.000 lao động bị mất việc, không thu nhập nên cần giúp đỡ lương thực thường xuyên. "Rồi còn đi chợ hộ, tiếp tế thực phẩm, giám sát F0 điều trị tại nhà, hỗ trợ y tế tiêm vaccine, xét nghiệm, triển khai các gói cứu trợ...", vị tổ trưởng kiêm bảo vệ dân phố thâm niên 8 năm liệt kê các đầu việc thực hiện. Suốt nhiều ngày qua, cả tổ 4 người luôn ở trong tình trạng "làm hết ngày nhưng không hết việc".
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân cho hay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, khối lượng công việc ở cơ sở tăng lên, không ít tổ trưởng dân phố xin nghỉ việc, nhiều cán bộ bị phơi nhiễm khiến lực lượng tại chỗ có phần hao hụt. Hiện toàn địa bàn có hơn 520 người bao gồm cán bộ, tình nguyện viên và từ trên tăng cường để phục vụ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ công tác an sinh cho gần 56.000 dân.
"Một người phải kiêm cùng lúc nhiều việc, điện thoại đảm bảo mở 24/24 vì người dân có thể gọi bất kỳ lúc nào, đặc biệt là các ca bệnh điều trị tại nhà", ông Đạt nói và ví dụ nếu trước đây hai cán bộ hội phụ nữ chủ yếu làm công tác hội, hỗ trợ nhóm chị em khó khăn thì nay phụ trách việc đi chợ hộ cho gần 11.000 nhà dân; mỗi ngày nấu các suất ăn cung cấp cho chốt kiểm soát dịch, F0 khó khăn; tiếp nhận xe hàng hỗ trợ, phân chia đóng gói lương thực, thực phẩm...
Mặt trận phường phụ trách trung tâm an sinh chịu trách nhiệm phân phối túi cứu trợ, đưa hàng thiết yếu xuống người dân; giám sát chi các gói hỗ trợ; tiếp nhận, kiểm tra thông tin những hộ phản ảnh chưa nhận giúp đỡ từ quận, thành phố, tổng đài 1022. Ngoài ra phường có gần 10 cán bộ nhiều ngày liền ở lại cơ quan để giải quyết các công việc hành chính, trực đường dây nóng, bốc dỡ hàng hóa, lương thực khi các xe về trong đêm.
Cách phường Thạnh Xuân hơn 30 km, xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) có hơn 1.400 ca nhiễm, gần 100 F0 đang điều trị tại nhà nên địa phương càng siết chặt các quy định giãn cách, đảm bảo tuyệt đối "ai ở đâu yên đó". Hơn 3 tháng qua, cán bộ ở đây gần như không có ngày nghỉ khi vừa lo chống dịch vừa đảm bảo công tác an sinh cho hơn 30.000 dân.
Bà Phan Thị Mỹ Khuyên, Chủ tịch UBND xã cho hay trên địa bàn không có siêu thị, cửa hàng tiện lợi nên việc đi chợ hộ trở thành thách thức với nguời phụ trách. Để không bị thiếu hụt đồ thiết yếu, tổ cung ứng hàng hóa bỏ ra 200 triệu đồng mua mắm, muối, dầu ăn... về dự phòng. Chính quyền mượn kho lạnh của doanh nghiệp trữ gà, thịt, cá. Một nhóm khác xuống các hộ dân thu mua rau, củ. Khi có nguồn hàng, giá cả, tổ đi chợ giúp dân mới lên combo đưa xuống cơ sở.
"Combo vừa đưa xuống dân thì nhà cung cấp thịt gà thông báo mỗi ký tăng thêm 20.000 đồng", bà Khuyên nói và cho biết trong tình huống đó cán bộ xã phải chấp nhận bù lỗ vì không thể thu hồi các phiếu đã phát ra. Hiện hội phụ nữ, nông dân còn đảm nhận thêm việc mua tã, sữa, thuốc đặc trị một số bệnh mãn tính cho người dân. Do lịch làm việc ban ngày đã kín nên các nhóm chuyển sang mua, giao cho hộ dân vào ban đêm.
"Riêng đối với hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng, điện thoại luôn mở", bà Khuyên nói và cho biết thường về khuya F0 gặp tình trạng khó thở, gọi điện báo vào đường dây nóng, cán bộ y tế, tình nguyện viên sẽ mang bình oxy đi ngay trong đêm, không được phép chậm trễ.
Mỗi hội, nhóm của xã Tân Nhựt được phân công các đầu việc cố định, chủ động thực hiện và báo cáo vào 22h mỗi ngày. Những công việc phát sinh như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine sẽ được phân công trước 6h. Trong 4 ngày nghỉ lễ tuần này, cán bộ xã và ấp tập trung rà soát danh sách lao động tự do, hộ lao động nghèo để hoàn tất chi trả mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng trước 6/9.
Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho hay huyện có khoảng 744.000 dân. Trước đây một số xã quy mô hơn 100.000 người như Tân Kiên, Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B đã gặp khó khi tổng cán bộ, nhân viên chỉ 34 người. Dịch bùng phát, khối lượng công việc tăng lên, huyện đã chủ động tăng cường nhân lực xuống địa bàn để hỗ trợ. Ngoài ra, huyện còn có sự giúp sức của quân đội, lực lượng tình nguyện viên huy động trong dân.
"Nhiều tháng qua cán bộ công chức, lực lượng ở tuyến đầu chống dịch không có ngày nghỉ. Có mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng vì nếu buông sẽ mất thành quả mọi người đã cố gắng thời gian dài", ông Vượng nói và cho biết đến thời điểm này cán bộ, nhân viên trên địa bàn vẫn cố gắng, nỗ lực mỗi ngày.
Ở đợt dịch thứ tư, TP HCM trải qua hơn 3 tháng giãn cách xã hội với nhiều biện pháp siết chặt. Thời gian này vai trò của cán bộ cơ sở hết sức quan trọng vì vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo y tế, lương thực cho người dân. Giám đốc Sở nội vụ TP HCM Huỳnh Thanh Nhân cho hay, vừa qua nhiều cán bộ công chức thành phố, quận huyện, tình nguyện viên được điều động xuống 312 xã, phường, thị trấn tham gia chống dịch, hỗ trợ công tác an sinh.
Bên cạnh đó, từ ngày 23/8, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân y, bộ đội được tăng cường về cơ sở. Tùy vào quy mô dân số, đặc điểm địa bàn mà mỗi xã, phường, thị trấn nhận từ một đến 4 tiểu đội, tương đương 9 đến 36 người để giúp đỡ công tác khám chữa bệnh, an sinh và kiểm soát ở các chốt.
Mới đây, TP HCM hỗ trợ kinh phí cho mỗi xã, phường, thị trấn 50 triệu đồng; hơn 2.000 khu phố, ấp mỗi nơi 5 triệu đồng và mỗi cán bộ, công chức, không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn nhận một triệu đồng. Sự hỗ trợ này phần nào động viên đội ngũ cán bộ cơ sở trong phòng, chống Covid-19.
Lê Tuyết