"Giữa một đô thị phồn hoa mà có thể bảo tồn được không gian nghệ thuật có giá trị như thế này thật đáng quý. Tôi cảm thấy đây là niềm tự hào của Việt Nam", một du khách Đài Loan chia sẻ tại làng nghệ nhân Hàm Long.
Lần thứ hai trở lại làng nghệ nhân Hàm Long, người khách yêu mến nghệ thuật này còn dắt theo cả gia đình. Câu chuyện về ngôi làng "có một không hai" giữa chốn sông nước với hồi tưởng của họa sĩ Lý Khắc Nhu nổi tiếng về tranh thủy mặc ngay lập tức thu hút khách phương xa. Họa sĩ Nhu là một trong những người đầu tiên lập ra làng nghệ nhân Hàm Long.
“Thuở mới mua đất cất chòi, mỗi lần về đây là thể nào tôi cũng đi lạc giữa những cánh đồng lau lách hoang vu, không tìm ra khu đất của mình. Sau này nhờ nghĩ ra cách nhìn số thứ tự trên các cột điện để dò đường, tôi bớt được cảnh đi lạc”, người họa sĩ nhớ lại ngày mới bén duyên với làng nghệ sĩ.
Những năm cuối thập niên 90, một nhóm nghệ sĩ, chủ yếu là họa sĩ Sài Gòn, lang thang tìm nơi yên tĩnh, phong cảnh đẹp để sáng tác. Dải đất rộng ven bờ sông Sài Gòn nằm trong Giồng Ông Tố, thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM, khiến đoàn nghệ sĩ chẳng thể rời chân. Thế đất ấy vừa kề bên sông nước thơ mộng, vừa cách xa thành phố ồn ào náo nhiệt. Cố họa sĩ Nguyễn Thanh Châu thấy địa thế đất có kênh rạch nhiều, giống như dáng của hàm con rồng nên đặt tên là Hàm Long.
“Ban đầu tôi chỉ đào cái ao nuôi cá và lấy đất đào ao để làm nền cất chòi lá, thỉnh thoảng về nghỉ ngơi, tìm cảm hứng sáng tác. Dần dần thấy không gian yên tĩnh, trong lành, cả gia đình mới dọn về sinh sống”, người họa sĩ đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế giãi bày.
Đắm mình giữa cảnh sắc làng nghệ sĩ Hàm Long
Nói về duyên cớ lập làng, họa sĩ Lý Khắc Nhu cởi mở: "Đất lành chim đậu, ai cũng thích cảnh sông nước nơi đây. Nhiều họa sĩ đến đây mua đất, nhiều người như vậy nên mình mới nghĩ tại sao không thành lập một cái làng?". Tiếng lành đồn xa, cứ thế lần lượt các họa sĩ về đây quy tụ. Trước chỉ có 4-5 người, chỉ một thời gian ngắn con số ấy đã lên đến 30-40 người.
Mỗi họa sĩ mang một phong cách riêng, không ai giống ai nhưng gặp nhau ở sự đồng điệu của những tâm hồn đam mê nghệ thuật. Trên dải đất với diện tích chưa tới 10 ha, các họa sĩ cùng nhau tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng với những ngôi nhà mang đậm bản sắc văn hóa 3 miền Bắc - Trung - Nam. Mỗi ngôi nhà có một lối thiết kế riêng độc đáo, có cả những ngôi nhà sàn dân tộc, nhà mồ Tây Nguyên giữa Sài Gòn.
Ngôi làng được những nghệ sĩ đề ra những quy ước không giống bất kỳ nơi đâu. Chẳng hạn như nhà này với nhà kia phải thông nhau bằng một cái hàng rào nhưng không phải xây tường mà làm bằng hoa, cỏ..., không được xây nhà lầu và phải tôn trọng sự riêng tư của nhau. Thời điểm nào sáng tác thì phải chuyên tâm, trà rượu thì không ồn ào mà lúc nào cũng phải thật yên tĩnh…
Cạnh khu Kỳ Long Viên là khu vườn của họa sĩ Hoài Hương với một không gian đậm chất Huế thơ mộng, nền nã…
"Một nửa của tôi là Huế, tôi yêu Huế và tôi nghĩ tại sao mình không tạo một thế giới Huế thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn như thế này", người họa sĩ nổi tiếng về tranh sơn dầu chia sẻ.
Cứ góp nhặt mỗi ngày một ít, họa sĩ Hoài Hương đã dần dà tạo nên một không gian hoàn mỹ, trong lành đậm chất cố đô. Khu vực có những lối đi uốn lượn duyên dáng, hồ bán nguyệt với thuyền hoa, đèn lồng cùng những đường nét chạm khắc tinh xảo. Từ những pho tượng ở gian nhà chính cho đến chiếc chuông trước nhà, từ cái kèo, cái cột, cho đến mái ngói… mỗi thứ là mỗi kỷ niệm từ những ngày đầu Hoài Hương cùng các họa sĩ khác về đây lập làng.
Những lúc rời cây cọ vẽ, các họa sĩ lại ngồi hàn huyên cùng nhau. So với gần 15 năm trước, làng họa sĩ giờ đây đã thay da đổi thịt. Hành trình 15 năm là những nỗ lực không ngừng nghỉ để tạo ra một không gian văn hóa đa dạng nhưng đậm đà bản sắc dân tộc giữa lòng Sài Gòn. Bên kia sông là trung tâm thành phố với nhà cao chọc trời mọc lên ngày càng nhiều cùng với còi xe và khói bụi… Bên này sông, một làng quê thu nhỏ vẫn lặng lẽ nép mình, với nỗi trăn trở vừa muốn nhiều người biết đến để có thể chia sẻ được không gian thi vị, vừa giữ cho riêng mình không đánh mất đi bản sắc ngôi làng.
Cơn mưa chiều làm cho ngôi làng vốn đã nên thơ lại càng trở nên thâm trầm. "Ngày trước còn hoang vu, mưa gió chỉ sợ sét đánh, sợ ngập nước. Còn bây giờ được ngồi trong một không gian như thế này ngắm mưa rơi, mới thấy cũng là bàn tay con người nhưng chúng ta lại có thể xoay chuyển nó theo một hướng hoàn toàn khác, trong lành và yên bình", họa sĩ Hoài Hương trải lòng.
Lê Phương - Vân Anh