Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội
Buổi trưa và chiều tại Hà Nội, trời nắng gay gắt không ngăn được dòng người xếp hàng vào viếng "vị tướng vĩ đại của lịch sử Việt Nam" mỗi lúc một đông. Người dân đi theo hàng ba, hàng bốn từ những con phố dẫn vào nhà tang lễ. Trong dòng người có nhiều cụ già, một số cụ sức khỏe yếu có nguy cơ bị ngất được dìu vào thẳng sân nhà tang lễ.
Một số khu vực như Trần Thái Tông, Pasteur, Hàn Thuyên, Phạm Đình Hổ có dấu hiệu quá tải. Đội thanh niên tình nguyện phải căng ra để hướng dẫn, đảm bảo dòng người được lưu chuyển. Ban tổ chức phải liên tục nhắc nhở trên loa yêu cầu mọi người giữ trật tự, không chen lấn. Một số người bị ngất do nắng nóng đã được những người xung quanh sơ cứu.
Trong lúc chờ đợi, nhiều người tranh thủ ăn bánh mì. Lễ viếng diễn ra liên tục từ 7h30 sáng không nghỉ trưa, và sẽ kéo dài đến 21 giờ tối nay. Cho đến chiều tối, hàng dài người vẫn tiếp tục không dứt trên các phố xung quanh nhà tang lễ.
10h30 sáng, sau các đoàn viếng chính thức của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, những người dân đầu tiên được vào viếng linh cữu Đại tướng trong nhà tang lễ.
Những cá nhân đầu tiên vào viếng Đại tướng đi theo hàng trật tự gồm khoảng 60 người mỗi nhóm. Đây là những người đang đứng chờ ở vườn hoa Yersin và được Ban tổ chức mời vào viếng, gồm cả người cao tuổi, cựu chiến binh và một số thanh niên. Lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia lập các đoàn cá nhân vào viếng và một số còn thay nhau quạt cho các những người cao tuổi trong đoàn đứng chờ.
Ảnh viếng linh cữu Đại tướng tại Hà Nội
Cô Nguyễn Thị Sinh, 63 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết đã rời nhà đến Nhà tang lễ từ lúc 6h. Cô đứng theo dõi các nghi lễ qua màn hình ở vườn hoa Yersin bên ngoài và bất ngờ được Ban tổ chức mời vào trong viếng khiến cô rất xúc động. Trong nhóm cá nhân đầu tiên vào viếng còn có ông Tô Xuân Thanh, 60 tuổi, ở Quảng Xương, Thanh Hoá. Ông đi xe máy từ quê ra Hà Nội từ tuần trước và cũng đã xếp hàng vào tưởng niệm Đại tướng tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu.
Khi biết thông tin Ban tổ chức lễ tang mở cửa cho cá nhân vào viếng, hàng nghìn người đang đổ về khu vực xung quanh nhà tang lễ. Trong các đoàn đang xếp hàng vào viếng có đội tuyển U19 Việt Nam, đứng đầu là Trưởng đoàn Dương Nghiệp Khôi, HLV trưởng Guillaume Graechen và các cầu thủ.
Bên trong nhà tang lễ nơi quàn thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 60 sĩ quan cấp tướng túc trực bên linh cữu theo nghi thức trang trọng nhất của quân đội. Hàng nghìn người trong các đoàn đang lặng lẽ xếp hàng trên sân nhà tang lễ. Mọi người phần lớn mặc đồ tang, riêng đoàn quân đội vận quân phục, gương mặt trang nghiêm.
Khu vực trước cửa nhà tang lễ bị cấm đường, nên hàng nghìn người dân tập trung tại các con phố lân cận như Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ... Nhiều cựu chiến binh mặc quân phục, đeo huân, huy chương trên ngực. Khi tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” vang lên, nhiều người ôm mặt bật khóc.
Lực lượng cảnh vệ bố trí ghế ngồi phía trước màn hình lớn đặt ngoài cổng nhà tang lễ và cho người dân đến gần hơn. Bà Catherine Karnow, người chụp ảnh Tướng Giáp, cũng đến khu vực này từ rất sớm. Đến khoảng 9h, hàng nghìn người dân chờ phía ngoài được bố trí di chuyển vào khu vực vườn hoa Yersin gần nhà tang lễ cho mát và dễ theo dõi. Họ tập trung trước màn hình lớn và được phục vụ nước uống. Nhiều Phật tử có mặt trong đám đông. Các cụ vừa ngồi khóc, vừa lần tràng hạt.
Thông tin Ban tổ chức lễ tang cho biết chiều nay sẽ không đăng ký vào viếng như kế hoạch ban đầu. Thay vào đó, mọi người sẽ xếp hàng từ đầu đường Trần Thánh Tông để lần lượt vào viếng như ở nhà riêng Đại tướng mấy ngày trước.
Lúc 7h30, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Đảng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước đó 5 phút, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban tổ chức lễ tang, tuyên bố chính thức bắt đầu lễ viếng.
Ngay sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đoàn Quốc hội và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Chính phủ vào viếng Đại tướng trong tiếng nhạc "Hồn tử sĩ".
Từ 6h30: Đoàn gia quyến của Đại tướng gồm khoảng 70 người đã thực hiện nghi lễ phát tang và viếng linh cữu đang quàn trong nhà tang lễ. Đoàn Ban tổ chức lễ quốc tang do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu cũng tiến vào phủ lá cờ tổ quốc lên linh cữu Đại tướng.
Trước đó từ sáng sớm mọi công tác chuẩn bị cho lễ viếng Đại tướng đã sẵn sàng tại ba điểm chính thức là Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội, Hội trường Thống nhất TP HCM và trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình.
Lễ viếng tại Quảng Bình
Quảng Bình bắt đầu lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cơn mưa kéo dài từ nửa đêm. Từ sáng sớm, hơn 1.000 thanh niên sinh viên trong màu áo xanh tình nguyện ôm ảnh vị tướng đứng bên đường. Trên 500 người thuộc các ban ngành đoàn thể, đã xếp hàng dài hơn 500 m trước UBND tỉnh Quảng Bình, nơi tổ chức lễ viếng chính thức. Cảnh sát giao thông tăng cường để đảm bảo an ninh trật tự, trong khi nhiều bình nước miễn phí được đặt ở bên đường phục vụ khách đến viếng.
Trong tiếng trống nhạc trầm buồn, Bí thư tỉnh ủy Lương Ngọc Bính - trưởng Ban lễ tang tỉnh Quảng Bình, đọc điếu văn nhắc lại những dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân Quảng Bình và trên cả nước. Đoàn thắp hương đầu tiên trước bàn thờ là lãnh đạo tỉnh cùng khoảng 10 người thân họ hàng Đại tướng. Tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở quê nhà huyện Lệ Thủy cũng bắt đầu lễ phát tang cho người thân và mở cửa để người dân vào viếng.
Ảnh người Quảng Bình đội mưa viếng Đại tướng
Bà Quế Thị Nhung, 79 tuổi, một mình lặn lội từ Nghệ An đi tàu hỏa ra Quảng Bình từ hôm qua để chờ viếng Đại tướng. Bà là người đến UBND tỉnh sớm nhất sáng nay, một mình đứng trước cổng nhìn vào nơi sẽ diễn ra lễ viếng Tướng Giáp. "Tôi chưa gặp Đại tướng, nhưng ở nước mình tôi quý nhất 3 người là Bác Hồ, Tướng Giáp và ông Phạm Văn Đồng. Nay ông Giáp là người cuối cùng trong 3 người họ mất, tôi rất xúc động", bà cụ nói.
Bà Hồ Thị Thủy đi cùng đoàn 8 người dân tộc Vân Kiều ở Ngân Thủy, Kim Thủy, từ sáng nay từ trong buôn làng đi bộ hơn 20 km đường rừng để ra huyện bắt xe về Đồng Hới, Quảng Bình, viếng Tướng Giáp. "Nhiều người cũng muốn đi cùng nhưng không có phương tiện, cử chúng tôi đại diện", bà Thủy cho biết.
Sang buổi chiều, Quảng Bình ngớt mưa rồi chợt nắng gắt. Đoàn người chờ viếng tiếp tục nối dài hơn 1 km từ sân ủy ban ra ngoài đường phố. UBND tỉnh mở cửa luôn trưa để các đoàn khách có thể vào viếng Đại tướng không ngừng. Thanh niên tình nguyện liên tục tiếp nước, sữa do doanh nghiệp hỗ trợ cho khách.
Hầu hết đoàn đến tiễn đưa trong giờ chiều đều ở các tỉnh xa đến như Thanh Hóa, Đà Nẵng, kể cả Hà Nội... Đứng lẫn trong dòng chờ đợi có cả người nước ngoài đại diện các cơ quan ngoại giao đóng ở miền Trung. Theo Ban tổ chức tang lễ tỉnh Quảng Bình, có khoảng gần 400 đoàn khách vào viếng Tướng Giáp, trong đó đoàn đông nhất thuộc công an Quảng Bình với hơn 600 người. Tổng cộng có khoảng 10.000 người đã vào viếng tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình.
Lễ viếng tại TP HCM
Đồng thời với Hà Nội, lễ viếng cũng được tổ chức tại Hội trường Thống nhất TP HCM. Ngay từ 6h sáng, hàng nghìn người bắt đầu nối nhau tiến vào Hội trường trong tiết trời se lạnh buổi sớm ở Sài Gòn.
Bà Phạm Thị Chung và Ngô Thị Hương là những người đầu tiên xếp hàng trước Hội trường. Hai bà là thành viên Đội Văn nghệ hội cựu chiến binh Tân Phú. Vẻ mặt xúc động, bà Chung chia sẻ: "Biết là 7h mới mở cửa viếng nhưng tôi muốn đến sớm để được là người đầu tiên vào thắp nhang". Chưa từng gặp mặt Đại tướng nhưng với những người từng trải qua thời chiến như bà, hình ảnh của vị tướng huyền thoại đã in đậm trong trái tim.
Chiều nay, người người vẫn đổ về khu vực viếng khiến dòng người nối dài suốt từ đường Lê Duẩn vào khu vực trung tâm của Hội trường Thống Nhất, phần nhiều trong số này là sinh viên, học sinh.
Tại khu vực ghi sổ tang, đông đảo người xếp hàng chờ tới lượt mình tự tay ghi những dòng tiễn biệt Đại tướng.
Theo Ban tổ chức Lễ quốc tang tại TP HCM, tính đến 16h chiều nay đã có gần 700 đoàn với 65.000 lượt người của TP HCM và các tỉnh tới viếng Đại tướng. Hội trường Thống Nhất sự kiến mở cửa đến 21h30 để người dân vào viếng.
Ảnh viếng Đại tướng tại TP HCM
Quốc tang kéo dài hai ngày tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức bắt đầu từ 12h trưa qua 11/10, đánh dấu bằng nghi lễ kéo cờ rủ tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Tất cả các công sở và nhiều nhà dân trên cả nước cũng thực hiện nghi lễ treo cờ rủ tương tự trong suốt 48 tiếng. Trong thời gian cả nước để tang Đại tướng, mọi hoạt động vui chơi giải trí sẽ tạm ngừng.
Hoạt động quan trọng nhất trong hai ngày quốc tang là lễ viếng Đại tướng ngày 12/10 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội) và lễ di quan và an táng linh cữu đại tướng tại Quảng Bình ngày 13/10.
VnExpress