Giám đốc một công ty sản xuất võng nôi tại TP HCM trước đây từng thề không đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng hàng hóa trong nước, nay lại cho VnExpress biết, ông bắt đầu làm hồ sơ đăng ký bảo hộ quốc tế. "Cạnh tranh hiện nay đã rất căng thẳng. Vào WTO càng có nhiều đối thủ hơn, kinh doanh có luật chơi chung nên tôi quyết định phải thủ cho chắc nhãn hiệu của mình", ông giám đốc lý giải cho việc phá bỏ lời thề.
Số thương hiệu Việt đã được bảo hộ quốc tế, đến nay vẫn còn rất ít. Trong khi có hơn 125.000 nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài đã đăng ký sở hữu tại VN, thì hiện chỉ khoảng 1.000 thương hiệu Việt được công nhận bảo hộ ở một số nước.
Đại diện Cục sở hữu trí tuệ tiên đoán, những tác động do hội nhập kinh tế thế giới hậu WTO sẽ là cú hích giúp cho việc quốc tế hóa nhãn hiệu VN gia tăng mạnh, khi nhiều doanh nghiệp đã ý thức và có kinh nghiệm trong đăng ký bảo hộ quốc tế.
Ông Trần Hữu Nam, thuộc Cục Sở hữu trí tuệ cũng thống kê, trong lượng đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp VN 5 năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân, cơ sở nhỏ, công ty trách nhiệm hữu hạn... nộp đơn đăng ký hơn so với trước.
Doanh nghiệp Duy Lợi đã từng thành công trong vụ kiện đòi lại nhãn hiệu võng xếp tại Mỹ. Ảnh: P.A. |
Hiện nay, số đơn xin đăng ký nhãn hiệu nước ngoài vào VN tăng 10%/năm. Lượng đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp VN ra nước ngoài đã tăng 50%, theo số liệu so sánh với năm ngoái của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - đơn vị quản trị hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ Trần Việt Hùng cho rằng, số doanh nghiệp quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ vượt 50%/năm vẫn chưa thấm vào đâu so với con số 200.000 công ty trong nước đang hoạt động theo Luật doanh nghiệp hiện nay, vì xuất phát điểm của doanh nghiệp VN thấp.
Bên cạnh việc đăng ký quốc tế cho nhãn hiệu Việt, ông Hùng khuyến cáo doanh nghiệp phải song song chú trọng đến bảo hộ sở hữu trí tuệ ở trong nước, tránh tình trạng bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm mất nhãn hiệu ngay trên sân nhà trong thế mở cửa hậu WTO.
Có cửa giành lại thương hiệu bị chiếm đoạt
Nhiều thương hiệu VN bị đánh mất trên các thị trường nước ngoài đã giành lại được quyền của mình, bằng nhiều cách. Đơn cử như cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi (Mỹ), kẹo dừa Bến Tre (Trung Quốc), thuốc lá Vinataba, bánh phồng tôm Sa Giang (Campuchia)... |
Với các trường hợp thương hiệu VN đã bị chiếm đoạt ở nước ngoài do trước đây doanh nghiệp thờ ơ trong vấn đề đăng ký bảo hộ quốc tế, ông Trần Việt Hùng cho rằng như vậy không có nghĩa là doanh nghiệp chỉ còn bó tay chịu mất. Có nhiều cách để đòi lại nhãn hiệu, nhất là khi VN đã chính thức tham gia Nghị định thư Madrid hồi đầu tháng 7.
Theo ông Hùng, so với Thỏa ước Madrid, Nghị định thư ưu tiên cấp lại nhãn hiệu cho chủ nhân của nó trong trường hợp hiệu lực bảo hộ bị hủy tại nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp có thể đòi lại được nhãn hiệu cho mình nếu chứng minh được quá trình xây dựng, sử dụng nhãn hiệu đó.
"Luật của một số nước, như Mỹ chẳng hạn, quy định trong thời gian 3 hoặc 5 năm sau khi đăng ký mà không sử dụng thì nhãn hiệu sẽ bị hủy. Doanh nghiệp có thể chờ đến hết thời gian này để xin hủy và đăng ký lại theo nghị định thư Madrid", ông Hùng
Để đòi lại thành công nhãn hiệu bị đánh cắp, ông Hùng cho rằng, doanh nghiệp phải xác định rõ thủ phạm là ai, mức độ "chôm chỉa", sự hiểu biết về sản phẩm của người đánh cắp đến đâu... Từ việc điều nghiên kỹ đối phương, doanh nghiệp mới quyết định đòi lại bằng cách thương lượng mua lại, hoặc kiện ra tòa trong trường hợp xấu nhất. Tuy nhiên, việc đòi lại nhãn hiệu rất phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian. "Tốt nhất doanh nghiệp phải chủ động đăng ký bảo hộ quốc tế cho nhãn hiệu hàng hóa của mình", ông Hùng khuyến cáo.
Phan Anh