Dưới đây là bài viết của Giáo sư Hà Tôn Vinh nhận định về Việt Nam sau một năm gia nhập WTO. Giáo sư Việt kiều Mỹ Hà Tôn Vinh từng là thành viên của Hội đồng Quản trị, Phòng Thương mại Việt - Mỹ, người tham gia nối kết nhiều mối quan hệ kinh tế chính trị giữa Chính phủ Việt Nam với Mỹ.
Một năm là khoảng thời gian khá ngắn ngủi trong cả quá trình phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia - nhiều khi quá trình này thường kéo dài cả vài thập kỷ để có thể đạt được những thành tựu như của Việt Nam.
Nếu nói rằng WTO là điểm mấu chốt cho sự thành công của Việt Nam trên chính trường quốc tế cũng như trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, hay cải tổ hành chính thì hơi quá đáng. Nhìn chung tôi cho rằng WTO là một bệ phóng quan trọng giúp đặt Việt Nam vào đúng quỹ đạo phát triển bền vững trong nhiều thập kỷ tới.
Sự thành công trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam trong năm qua là điều không thể phủ nhận. Sự thành công này được nhiều tổ chức và báo chí thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Gần đây nhất, Tổ chức Tư vấn nổi tiếng thế giới AT Kearney và Tập san Ngoại giao (Foreign Policy Magazine) của Mỹ công bố Chỉ số toàn cầu hóa (Globalisation Index 2007). Việt Nam xếp hạng thứ 48 trong số 72 nước trong danh sách đang được xét đến, trên cả các nước láng giềng như Thái Lan, hạng 53 và Indonesia, thứ 69.
Trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam đứng thứ 10, lượng kiều hối ở bậc 15, tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập hạng19, đầu tư trực tiếp nước ngoài xếp thứ 33. Thứ hạng này chắc chắn sẽ cao hơn khi hai tổ chức nghiên cứu trên thêm nhiều quốc gia khác vào trong danh sách.
Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư Việt Nam bước sang giai đoạn tăng tốc chiếm lĩnh thị trường trong thời kỳ hội nhập. Ảnh: P.A. |
Trong lĩnh vực kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Tổ chức Phát triển và Thương mại Liên hiệp quốc (UNCTAD) trong báo cáo cuối năm 2007 đã xếp Việt Nam trong top 10 nước được các công ty đa quốc gia vào đầu tư giai đoạn 2007-2009. Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga và Brazil.
Trong lĩnh vực hấp dẫn đầu tư vào ngành sản xuất, Tổ chức Tư vấn và Kiểm toán thế giới PriceWaterHouseCoopers xếp Việt Nam thứ nhất trong số 20 nền kinh tế đang lên. Ngân hàng Thế giới cũng đưa Việt Nam lên nhiều bậc trong báo cáo về môi trường thương mại và kinh doanh.
Năm nay (2008), thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ dự báo sẽ trên 12 tỷ USD, một con số ấn tượng, chỉ vài năm sau khi Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Thương mại song phương năm 2001. Một phái đoàn cao cấp của Chính phủ vừa sang Mỹ cuối năm 2007 để thảo luận thêm về các cam kết và thực thi các điều khoản WTO. Việc này cho thấy Chính phủ Việt Nam không những muốn đẩy nhanh tiến trình hội nhập mà còn chủ động tìm sự hỗ trợ kỹ thuật từ các quốc gia thành viên quan trọng của WTO.
Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư, ngân hàng và tín dụng quốc tế, công ty đa quốc gia đều thành công khá rực rỡ trong năm vừa qua, cả về tài chính cũng như củng cố địa vị tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư đã có dấu hiệu di chuyển trung tâm điều hành đầu não từ các nước như Singapore, Thái Lan... sang Việt Nam.
Tờ Thời báo Doanh nghiệp Singapore Business Time đã xếp Việt Nam đứng thứ 2 trong việc thu hút đầu tư của Singapore ra nước ngoài. Năm vừa qua ngoài 35 ngân hàng nước ngoài hiện đang hoạt động còn có thêm 20 ngân hàng nước ngoài nộp đơn xin mở chi nhánh tại Việt Nam - một trong những dấu hiệu cho thấy tình hình chính trị ổn định và nền kinh tế trên đà phát triển.
Theo quy trình của WTO, từ tháng 4 năm 2007, Việt Nam đã cho phép các ngân hàng nước ngoài được quyền mở chi nhánh và sở hữu 100%, có quyền nhận tiết kiệm, tài sản ký gửi, và cấp thẻ tín dụng.
Thành công bước đầu là thế, song con đường phát triển phía trước của Việt Nam không kém gian nan, khó khăn.
Việc gia nhập WTO không phải cột mốc cuối cùng trong chu trình phát triển xã hội và kinh tế; cũng không phải là chuyến tàu chót. WTO chỉ là một quá trình hiểu theo nghĩa một tổ chức với nhiều đòi hỏi, bắt các thành viên luôn làm việc cật lực với nhau và cùng thay đổi môi trường kinh doanh, các thể chế thương mại để bảo đảm sự phát triển bền vững, công bằng.
Sự thành công của Việt Nam, dưới áp lực toàn cầu hóa, WTO... do đó sẽ được đánh giá theo tốc độ thay đổi và mức phù hợp của các thể chế chính trị, tổ chức kinh tế thương mại và kết quả tích cực mà Việt Nam mong muốn hay cần đạt được.
Các đại sứ thành viên, đại diện WTO cùng phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Geneva trong bữa tiệc kỷ niệm một năm thành viên 150 Tổ chức thương mại thế giới, tối 10/1. Ảnh do Phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Liên hiệp quốc cung cấp. |
Lạm phát hiện tại của Việt Nam là một nguy cơ cho việc phát triển kinh tế và sự ổn định xã hội, thể chính trị hiện tại. Bài học về lạm phát và bất ổn kinh tế đi kèm với các biến động chính trị ở các nước như Brazil, Argentina, Indonesia trong thập niên vừa qua phải là bài học chung.
Đã có nhiều giải pháp bình ổn thị trường được Chính phủ thực hiện nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Đại đa số người dân và công chức lao động sống bằng lương cố định thấy rõ giá sinh hoạt tăng lên chóng mặt từng ngày, sức mua đồng tiền cố định của họ giảm xuống rất nhanh. Với một nền kinh tế khiêm tốn dựa nhiều vào đồng đô la đang xuống giá, tình trạng của người dân như bị đổ thêm dầu vào lửa.
Việt Nam cần tự hỏi đâu là giá trị của việc chạy theo phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào khi phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức 8,5% nhưng lại mất đi hơn 10% cho lạm phát. Giá cả tăng nhanh không thấy điểm dừng, mãi lực đồng tiền xuống thấp, tiết kiệm ở ngân hàng ngày càng mất giá so với đầu tư hay đầu cơ vào chứng khoán, địa ốc, vàng bạc. Những yếu tố này càng làm cho nền kinh tế bị lệch và nguy cơ khủng hoảng, nhất là khả năng bong bóng địa ốc bị vỡ, kinh tế gia đình của đại đa số người dân không có lối thoát.
Giáo dục không còn là vấn đề của phụ huynh hay sinh viên học sinh nữa. Dạy và học theo chiều hướng hiện tại bây giờ là nút thắt cổ chai. 50% sinh viên ra truờng phải được đào tạo lại để có thể làm việc, là một minh chứng giáo dục Việt Nam chưa hay không theo kịp được nhu cầu và đòi hỏi của đất nước phát triển.
Chính phủ có nhiều quyết tâm trong việc đổi mới giáo trình, nâng cao chất lượng sinh viên và cơ sở hạ tầng, đào tạo thêm đội ngũ giảng dạy cho tương lai. Rất tiếc, đội ngũ quản lý đại học và giảng dạy hiện tại chưa được nói nhiều tới, chưa được tái đào tạo hoặc hỗ trợ để có thể theo kịp nhu cầu của thị trường, của thời đại và của thế hệ sinh viên hiện tại.
Theo tôi sự thay đổi phải từ gốc. Tức là thay hay đổi con người, phương pháp giảng dạy, giáo trình từ các thầy cô, giảng viên, giáo sư; thay đổi cách đối xử và hậu đãi họ theo đúng tinh thần tôn sư trọng đạo, không thầy đố mày làm nên.
Môi trường sinh thái và phát triển đô thị là nỗi khổ tâm nữa của Chính phủ, cũng như người dân từ thành thị đến nông thôn. Xe cộ lưu thông tràn lan, xây dựng đô thị trái phép bừa bãi, ô nhiễm môi trường đang tràn về nông thôn, nông dân mất đất về tay các chủ đầu tư và đầu cơ địa ốc... Tất cả là những nguy cơ tiềm ẩn của nhu cầu tăng trưởng tốc độ kinh tế hiện tại Việt Nam đang theo đuổi. Chất lượng cuộc sống đang bị đẩy lùi nhường cho nhu cầu phát triển bằng mọi giá.
Tôi thành tâm cho rằng Việt Nam không nên tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, không nên đặt một mục tiêu phát triển kinh tế quá cao gây thiệt hại lâu dài cho khu vực phi kinh tế như giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, văn hóa, trẻ em và người lớn tuổi.
Tôi mong lãnh đạo Việt Nam có thêm quyết tâm làm cân bằng "bình thông nhau" giữa việc phát triển khu vực kinh tế và phi kinh tế; duy trì sự cân bằng giữa nền kinh tế thị trường và "phi thị trường" cho đúng với mong muốn là một nền "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Hà Tôn Vinh