Bà Phạm Chi Lan. |
- Có người liên tưởng các doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa WTO với câu chuyện "thày bói xem voi". Bà đánh giá thế nào về sự hiểu biết và chuẩn bị của các doanh nghiệp trước khi gia nhập WTO?
- Đúng là còn tình trạng các doanh nghiệp hiểu biết ít về WTO, do vậy họ cảm thấy bị ngợp. Điều các doanh nghiệp trông đợi nhất hiện nay là chính phủ công bố những cam kết cụ thể về WTO. Tuy nhiên, những yêu cầu chung của WTO về cạnh tranh, minh bạch thì các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu.
Thực tế, các khảo sát gần đây cho thấy hiểu biết của doanh nghiệp về WTO đã tăng đáng kể. Khảo sát của Viện Khoa học xã hội và Nhân văn năm 2002 cho thấy, hơn 70% doanh nghiệp hầu như chưa biết hoặc biết rất ít về WTO. Kết quả khảo sát năm ngoái của VCCI cho tỷ lệ đảo ngược, chỉ còn gần 30% doanh nghiệp hiểu biết ít về WTO.
Tất nhiên, việc mỗi doanh nghiệp biết sâu đến mức độ nào lại là chuyện khác. Ngay cả các chuyên gia cũng chỉ chuyên sâu vào một lĩnh vực hay quy định nào đó của WTO. Có thể mỗi người chỉ nhìn thấy một góc độ của WTO như thày bói xem voi, nhưng các "thày bói" đó phải tập hợp lại với nhau và giúp xã hội có một cách nhìn chung chứ không phải mỗi người hiểu một cách.
- Nhiều người tỏ ra lo ngại về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sau khi gia nhập WTO. Xin cho biết quan điểm của bà?
- Cũng không cần quá hoảng hốt việc doanh nghiệp không kịp trở tay khi Việt Nam gia nhập WTO. Nâng cao năng lực cạnh tranh không phải là một chuyện một sớm một chiều, không thể gấp rút trong thời gian còn lại trước khi Việt Nam được kết nạp chính thức. Có muốn gấp rút cũng không thể làm được.
Hơn nữa, ngay cả không vào WTO, doanh nghiệp vẫn phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng ta phải cạnh tranh với các nước ASEAN, Trung Quốc... chứ không phải vào WTO mới có đối thủ cạnh tranh với mình.
- Vậy bước đầu tiên để các doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh là gì, thưa bà?
- Các doanh nghiệp cần phải tự chuẩn bị cho mình. Điều này hầu như chưa làm được nhiều. Không thể nghĩ rằng vào WTO tự nhiên họ sẽ có những cơ hội và ngồi đợi để hưởng thụ.
Doanh nghiệp có thể thuê các công ty kiểm toán hoặc tư vấn để giúp họ nhìn lại mình đã hoạt động như thế nào. Tuy nhiên, vấn đề là các doanh nghiệp thường có bệnh khép kín. Thông tin hoặc các vấn đề của mình thường giấu đi, như vậy không khác gì có bệnh mà lại trốn bác sĩ.
Ngọc Châu thực hiện