|
Phát biểu tại phiên họp hôm qua, ông Glenne cho rằng khó có thể đạt được thoả thuận về việc kết nạp Việt Nam để kịp trình lên phiên họp đại hội đồng của WTO, diễn ra hôm nay.
Các quan chức trong Ban công tác đều cho rằng vẫn còn một số việc cần hoàn tất, trong đó phải chuyển các thoả thuận song phương thành cam kết cụ thể và áp dụng với tất cả 149 thành viên WTO. Bên cạnh đó, Ban công tác cũng phải chốt lại dự thảo báo cáo đa phương và làm rõ cam kết của Việt Nam liên quan đến sửa đổi luật lệ cho phù hợp với các hiệp định WTO và thoả mãn tất cả các thành viên WTO.
Tuy nhiên, theo ông Glenne, thoả thuận kết nạp Việt Nam đang đi đến giai đoạn cuối cùng và có thể đạt được trước khi diễn ra hội nghị cấp cao APEC, diễn ra vào đầu tháng 11 tới tại Hà Nội.
"Lần đầu tiên, trước mắt chúng ta là bộ tài liệu trọn gói về vấn đề kết nạp Việt Nam. Rõ ràng là nhóm công tác đang gần đi đến kết luận cuối cùng", ông Glenne nhấn mạnh.
26/10 được coi như mục tiêu đạt được các thoả thuận về việc gia nhập của Việt Nam, tuy nhiên còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán mấy tuần tới. Theo ông Glenne, nếu mọi việc suôn sẻ, có thể sẽ triệu tập một cuộc họp của đại hội đồng WTO vào đầu tháng 11 nhằm xem xét thông qua các gói cam kết đa phương, mở đường cho việc trao quy chế thành viên cho Việt Nam ngay cuối năm nay.
Một khi quy chế thành viên được thông qua, Quốc hội Việt Nam cũng sẽ phải cho ý kiến và phê duyệt. 30 ngày sau khi bản báo cáo gia nhập được Quốc hội thông qua và gửi tới Ban thư ký WTO, Việt Nam sẽ trở thành thành viên chính thức của tổ chức này.
Trước đây, nhiều người hy vọng Việt Nam có thể trở thành thành viên WTO trước khi diễn ra hội nghị APEC. Tuy nhiên, đích thân Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thời gian gần đây đã tuyên bố không nhất thiết phải neo vào mốc thời gian đó để chấp nhận các đòi hỏi thái quá của đối tác.
Song Linh tổng hợp