Sự phản đối của Nga cho thấy mâu thuẫn nội bộ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu chuẩn bị cho khủng hoảng năng lượng mùa đông này. Giá dầu thô từng lên sát 140 USD một thùng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2.
WSJ cho biết việc Nga phản đối giảm sản xuất trở nên rõ ràng vào tuần trước, trong một cuộc họp nội bộ của OPEC+. Tại đây, OPEC+ đưa ra kịch bản cơ sở là cung dầu thế giới sẽ cao hơn cầu khoảng 900.000 thùng một ngày trong năm nay và năm tới.
Tuy nhiên, quan chức Nga và nhiều nước khác nói rằng các số liệu này không chính xác, do OPEC+ đang giả sử các thành viên đều bơm ra đủ quota. Trong khi thực tế là vài tháng gần đây, các nước này bơm thiếu khoảng 3 triệu thùng một ngày.
Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC+ gần đây nêu ý tưởng liên minh này có thể cân nhắc giảm sản xuất. Các thành viên khác thuộc OPEC như Congo, Sudan hay Guinea Xích đạo cho biết cởi mở với ý tưởng này và đã bơm ra nhiều hết mức có thể. Giá dầu vài tuần qua đã đi xuống. Nếu OPEC+ giảm sản xuất, giá sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, Nga lo ngại việc này sẽ khiến người mua nghĩ rằng cung dầu thế giới đang vượt cầu, ảnh hưởng đến khả năng đàm phán giá của họ với các khách mua hiện tại, nguồn tin trên cho biết. Nga hiện bán cho nhiều nước châu Á với giá giảm mạnh so với thế giới. Dù hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao sau xung đột tại Ukraine, Moskva lo ngại hơn với việc duy trì khả năng đàm phán với người mua, sau khi Mỹ và châu Âu cấm vận dầu Nga.
Tuần trước, các nước G7 công bố kế hoạch cấm bảo hiểm và cung cấp tài chính cho hoạt động vận chuyển dầu cũng như các sản phẩm từ dầu của Nga, trừ phi chúng được bán dưới giá trần. Nga đã dọa ngừng bán dầu cho các nước tham gia kế hoạch áp trần này.
Hôm nay, OPEC+ sẽ nhóm họp định kỳ để điều chỉnh sản xuất. Một số đại biểu OPEC cho biết việc giảm sản lượng 100.000 thùng một ngày có thể được bàn đến.
Dù vậy, các số liệu gần đây không ủng hộ kịch bản này. Các đại biểu cũng nói rằng họ không mặn mà với việc nâng sản lượng, như Mỹ và châu Âu vẫn đang kêu gọi. "Phần lớn các nước thành viên không thể tăng sản xuất. Vì vậy, nếu chúng tôi cứ nâng quota lên, uy tín sẽ bị ảnh hưởng", một nguồn tin cho biết trên WSJ.
Hà Thu (theo WSJ)