Chi nhánh WorldCom tại Mississippi. |
Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Mỹ Harvey Pitt tuyên bố: "Chúng tôi yêu cầu họ phải làm một bản tường trình hết sức nghiêm túc và chính xác về những gì đã xảy ra và thực lực tài chính của họ. Nếu có sai lệch trong bản tường trình, công chúng sẽ phải trả giá đắt".
Bản báo cáo chi tiết này sẽ được nộp cho Ủy ban chứng khoán Mỹ trước giờ mở cửa phiên giao dịch, trong đó cũng đề cập số người dính líu vào vụ bê bối tài chính.
Hiện tại, chi nhánh Mississippi của WorldCom đang bị điều tra về việc vi phạm các qui định kế toán, gây thất thoát 1,2 tỷ USD trong 5 quý vừa qua. Các nhà điều tra cũng sẽ tập trung xem xét sổ sách vụ sáp nhập của tập đoàn này với MCI Communications vào năm 1998.
Để đối phó với những rắc rối ngày càng phức tạp, WorldCom đã thuê hẳn các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Ngân hàng đầu tư Blackstone Group - một hãng tư vấn hàng đầu về tái thiết và Công ty luật nổi tiếng Weil Gotshal & Manges nhằm xúc tiến việc phát mại tài sản đầu tư ở nước ngoài và đàm phán vay tiền. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu mọi việc xuôi chèo mát mái, WorldCom có thể xoay được 15 tỷ USD nhờ bán các khoản đầu tư vào Embratel (Brazil) và Avantel (Mexico). Tuy nhiên, thời gian có vẻ không ủng hộ họ, hôm qua tập đoàn cung cấp dịch vụ viễn thông IDT cho biết họ chỉ trả 3-4 tỷ USD để mua MFS Communications, mà năm 1996 WorldCom phải bỏ ra 15,5 tỷ USD mới giành được công ty này.
Trong khi đó, đám cháy WorldCom và vụ bê bối tài chính của tập đoàn sản xuất thiết bị văn phòng Xerox Corp xảy ra mới đây càng làm tăng thêm nghi ngại của các nhà đầu tư. Thêm vào đó, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, các thị trường chứng khoán Mỹ sẽ hoạt động cầm chừng bởi mối lo ngại sẽ xảy ra một vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ trong ngày Quốc khánh 4/7 tới.
Trong một động thái nhằm loại bỏ ảnh hưởng chính trị của các vụ scandal tài chính, hôm 28/6, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã cam kết sẽ trừng phạt thẳng tay các tập đoàn gian lận. Ngoài ra, ông Bush sẽ có bài phát biểu trên đài phát thanh hàng tuần và một bài phát biểu vào đầu tháng 7 để kêu gọi các doanh nghiệp tuân thủ "quy tắc", đồng thời thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch 10 điểm về trách nhiệm giải trình của các tập đoàn.
Phong Lan (theo Reuters)