Tân Tổng giám đốc Motorola Việt Nam, Ray Owen. Ảnh: P.K. |
- WiMax được đề cập đến nhiều ở VN trong vài năm gần đây. Một số dự án thử nghiệm đã được tiến hành. Theo ông, các nhà cung cấp trong nước sau khi có giấy phép sẽ mất bao lâu cho giai đoạn triển khai hạ tầng và tiến hành khai thác thương mại?
- Thời gian triển khai hạ tầng sẽ tùy thuộc vào tiềm lực của mỗi doanh nghiệp và có thể khác nhau vì nhiều yếu tố. Nếu mọi thứ thuận lợi, việc triển khai hạ tầng cung cấp dịch vụ có thể kết thúc trong khoảng 6 tháng và thậm chí ngay cuối năm 2008, WiMax có thể đi vào khai thác thương mại ở VN.
- Đâu là những thách thức và thuận lợi trong việc triển khai công nghệ này ở VN?
- Thách thức chủ yếu là việc cần phải xây dựng thêm nhiều trạm thu phát cơ sở (base station). Tuy nhiên, tiềm năng thì vô cùng lớn nếu xét đến sự tích cực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa công nghệ mới vào VN. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng rất mạnh dạn. Đặc biệt, việc VN có lượng dân số trẻ với nhu cầu kết nối di động rất lớn sẽ là động lực mạnh mẽ để WiMax nhanh chóng xuất hiện. Tôi hy vọng khoảng 5 năm nữa, các tuyến dây mạng sẽ biến mất khỏi những đô thị lớn ở VN để nhường chỗ cho một môi trường kết nối không dây.
- Sự thiếu hụt thiết bị đầu cuối tương thích WiMax trên thị trường gây ảnh hưởng ra sao đối với tiến trình phổ biến của công nghệ này ở các nước đang phát triển như Việt Nam?
- Nếu như vài năm trước thì có thể nói đến sự thiếu hụt. Còn hiện nay, rất nhiều thiết bị và linh kiện hỗ trợ kết nối WiMax đã xuất hiện. Lượng sản phẩm hỗ trợ WiMax ra lò từ Đài Loan, một trong những trung tâm chế tạo hàng công nghệ cao lớn nhất ở châu Á, ngày một nhiều hơn và giá cả đang hạ nhanh. Trong thời gian tới, thiết bị và linh kiện phục vụ kết nối WiMax sẽ không còn là thứ hiếm và đắt đỏ ở VN.
- Về cơ bản, người sử dụng bình thường sẽ tiếp cận dịch vụ WiMax như thế nào?
- Hiện tại, muốn kết nối WiMax vẫn phải có modem hoặc thiết bị hỗ trợ... Nhưng trong thời gian tới, module kết nối WiMax sẽ được tích hợp kiểu nhúng (embed) ngay trong các sản phẩm máy tính, điện thoại..., tương tự như tính năng Wi-Fi. Khi đó, với một chiếc laptop bắt được tín hiệu WiMax, người sử dụng sẽ thấy trên máy tính hiện ra một menu liệt kê các nhà cung cấp dịch vụ WiMax ở địa phương. Sau đó, anh ta chỉ việc đăng nhập vào đúng dịch vụ đã đăng ký thuê bao, hoặc chọn một nhà cung cấp bất kỳ với hình thức thanh toán phù hợp, nếu chỉ dùng tức thời.
- Dự án thử nghiệm WiMax ở Hà Nội và TP HCM của Motorola phối hợp với Công ty VDC đang được xúc tiến như thế nào?
- Dự án này được hai bên ký kết năm ngoái. Hiện chúng tôi mới có giấy phép triển khai thử nghiệm của Bộ Thông tin Truyền thông. Chúng tôi đang chuyển các thiết bị mới nhất sang và sẽ tiến hành thử nghiệm tiền thương mại trong thời gian tới.
- Những kế hoạch trong năm nay của Motorola tại thị trường Việt Nam là gì?
- WiMax tất nhiên sẽ là mục tiêu trọng điểm của chúng tôi trong năm 2008. Motorola cũng sẽ xem xét tham gia triển khai công nghệ 3G, giới thiệu công nghệ mạng cáp quang, các thiết bị đầu thu truyền hình kỹ thuật số dạng set-top box, đầu thu vệ tinh. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nhà cung cấp nội địa để đưa những công nghệ này đến với giới doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Motorola cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy mảng kinh doanh điện thoại di động, trong đó chú trọng vào nhóm sản phẩm cao cấp cho doanh nghiệp và giải trí cho giới trẻ. Một kế hoạch nữa của chúng tôi là giới thiệu các giải pháp bộ đàm radio dành cho khối cơ quan công quyền đã được triển khai ở rất nhiều nước.
Làm việc tại văn phòng Motorola Hà Nội từ đầu năm 2007 với cương vị là Giám đốc công nghệ khu vực Đông Nam Á, tiến sĩ Ray Owen được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Viễn thông Motorola Việt Nam từ ngày 24/4/2008. Trong 13 năm làm việc ở Motorola, Owen từng làm giám đốc mảng băng thông rộng không dây, nhóm kinh doanh mạng & doanh nghiệp, kiến trúc giải pháp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quản lý nhóm thiết kế kiến trúc UMTS cho các khách hàng. Owen có học vị tiến sĩ kỹ thuật (PhD in Engineering) của Đại học Birmingham (Anh). Ông đã công bố 19 kết quả nghiên cứu và phát triển 32 bằng sáng chế. |
Minh Hồng thực hiện