Ba ngày sau khi William Barr, một quan chức kỳ cựu tại Washington, được bổ nhiệm vào vị trí quyền bộ trưởng tư pháp Mỹ tháng 8/1991, một cuộc khủng hoảng con tin nổ ra. 121 tù nhân gốc Cuba chờ trục xuất đã nổi loạn, bắt 9 người làm con tin tại nhà tù liên bang Talladega.
Barr lập tức chỉ đạo Đội Giải cứu Con tin của FBI vào cuộc, đột kích vào nhà tù Talladega, giải cứu toàn bộ những người bị nhóm tù nhân bắt mà không gây ra bất cứ thiệt hại nhân mạng nào. Ấn tượng với thành tích này của Barr, Tổng thống George H.W. Bush đã bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Tư pháp chỉ vài tuần sau đó.
Sau khi rời ghế Bộ trưởng Tư pháp năm 1993, Barr làm việc trong lĩnh vực tư nhân, nhưng vẫn thường xuyên viết bài chỉ trích chính quyền Bill Clinton "mềm yếu với tội phạm".
Khi Donald Trump lên nắm quyền, Barr nhiều lần công khai lên tiếng bênh vực ông, chỉ trích các thách thức pháp lý nhắm vào Tổng thống cũng như cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông cho rằng Trump không có gì sai khi kêu gọi điều tra Hillary Clinton khi cả hai chạy đua ghế tổng thống.
Tháng 6/2018, Barr gửi một bản ghi nhớ 20 trang tới các quan chức Bộ Tư pháp, tranh luận rằng công tố viên đặc biệt Robert Mueller không nên điều tra Trump "cản trở công lý", vì các hành động của Tổng thống, như sa thải giám đốc FBI James Comey, đều nằm trong quyền lực hành pháp của ông.
Dường như những hành động này đã giúp Barr lọt vào "mắt xanh" của Trump vào thời điểm chính quyền ông đang trải qua nhiều xáo trộn, với hàng loạt thay đổi nhân sự cấp cao trong nội các.
Công tố viên đặc biệt Mueller khi đó đang hoàn thiện bản tổng kết cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, với nghi vấn rằng Moskva thông đồng với chiến dịch của Trump để góp phần giúp ông chiến thắng đối thủ Hillary Clinton.
Tức giận với cách Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions xử lý cuộc điều tra, Trump tháng 11/2018 quyết định sa thải ông và sau đó thông báo đề cử Barr là người thay thế. Tháng 2/2019, Barr nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ.
Gần như ngay sau khi nhậm chức, Barr hứng chỉ trích kịch liệt rằng ông đang tìm cách phá bỏ "bức tường lửa" ngăn cách giữa Nhà Trắng và cơ quan do ông lãnh đạo, ảnh hưởng tới tính độc lập của nhánh tư pháp. Dù để Mueller đóng hồ sơ, Barr đã đi một "nước cờ chính trị" khéo léo bằng cách công bố trước bản tóm tắt báo cáo điều tra do chính ông soạn.
Tài liệu dài 4 trang, được biên soạn từ 400 trang báo cáo đầy đủ, nhấn mạnh Mueller không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp và có thể chứng minh về sự thông đồng giữa chiến dịch của Trump với Nga. Thông tin này đã tràn ngập các mặt báo sau đó, dù bản báo cáo của Mueller trên thực tế đặt ra rất nhiều câu hỏi đáng lo ngại về cuộc bầu cử và hành vi của Trump.
Trong một lần chỉ trích công khai bất thường, một thẩm phán liên bang cáo buộc Barr "gây hiểu lầm" cho công chúng. Washington Post hồi tháng 4/2019 cũng đưa tin Mueller đã gửi thư cho Barr, cấp trên và cũng là bạn lâu năm của ông, để phản ánh rằng Barr "không nắm được đầy đủ bối cảnh, bản chất và nội dung" của kết quả điều tra, khiến công chúng mơ hồ.
Đối với một số người, Barr là "phiên bản nâng cấp" của những "người dập lửa", các luật sư riêng đã bảo vệ Trump trong sự nghiệp kinh doanh đầy biến động của ông, chống lại các đơn kiện và cáo buộc hình sự liên quan đến một loạt vấn đề, từ phá sản đến ly hôn, lừa đảo và tấn công tình dục.
"Barr đang biến Bộ Tư pháp thành lá chắn bảo vệ Tổng thống và nhóm thân cận của ông ấy", Michael Dion, công tố viên Seattle, nêu ý kiến. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cũng đánh giá Barr "đã khiến hệ thống tư pháp hình sự trở nên ít công bằng hơn và Bộ Tư pháp tồi tệ hơn".
Tuy nhiên, trong mắt phe Cộng hòa, Barr lại giúp mang đến sự ổn định giữa lúc Washington hỗn loạn bất thường. Theo thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Barr "là người phù hợp xuất hiện vào đúng lúc để đảm nhiệm việc giám sát những cuộc điều tra chính trị".
Giới quan sát nhận định ngay từ đầu, hầu hết những gì Barr làm rõ ràng nhằm phục vụ chương trình nghị sự của Trump, bao gồm ủng hộ tuyên bố của Tổng thống rằng FBI đã lạm dụng quyền lực bằng cách đào bới mối quan hệ giữa Trump và Nga.
Hồi đầu năm, các công tố viên đề nghị một tòa án liên bang kết án 9 năm tù đối với cựu cố vấn Roger Stone của Trump, người bị kết tội khai man trước quốc hội và cản trở cuộc điều tra về vai trò của Nga trong bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông chủ Nhà Trắng nhận xét mức án này "rất bất công".
Ngay sau đó, Bộ Tư pháp đề nghị một mức án nhẹ hơn nhiều. 4 công tố viên xử lý trường hợp này từ chức. Trump cuối cùng thậm chí giúp Stone không phải ngồi tù nhờ quyết định giảm án, đánh dấu sự can thiệp mạnh mẽ nhất của Tổng thống nhằm bảo vệ đồng minh trong một vụ án hình sự.
Bất chấp hàng loạt nỗ lực "chữa cháy" cho Trump, ngay cả sau khi truyền thông đã xướng tên Joe Biden là người đắc cử, việc Tổng thống vẫn tiếp tục thách thức kết quả bỏ phiếu dường như đã đẩy Barr đến giới hạn cuối cùng. "Tôi sẽ không bị bắt nạt hay chịu tác động", Bộ trưởng Tư pháp 70 tuổi tuyên bố trên truyền hình.
Hôm 14/12, Barr nộp đơn từ chức và dự kiến rời nhiệm sở vào ngày 23/12, đặt dấu chấm hết cho một trong những mối quan hệ được tính toán kỹ lưỡng nhất ở Washington, chỉ vài tuần trước khi Trump rời Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ cho biết ông và Barr đã có "một cuộc họp tốt đẹp", nhấn mạnh thêm rằng mối quan hệ giữa họ cũng "tốt đẹp" và ca ngợi nhiệm kỳ của cấp dưới. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết quan hệ của họ đã bắt đầu rạn nứt từ lâu.
Trump từng hy vọng một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp, xung quanh nghi vấn phe Dân chủ thúc đẩy vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ từ động cơ chính trị, sẽ giúp ông giành lợi thế đáng kể trước ngày bầu cử, đồng thời là "vũ khí" vô cùng cần thiết để đánh bại Biden. Trump thúc ép Barr đẩy nhanh cuộc điều tra, nhưng Bộ trưởng Tư pháp chỉ lần lữa và báo cáo điều tra này có lẽ sẽ không bao giờ xuất hiện.
Trump còn mong muốn các công tố viên của Bộ Tư pháp điều tra Hunter Biden, con trai Tổng thống đắc cử, cùng những giao dịch kinh doanh của anh này tại Ukraine và nhiều nơi khác, cũng với hy vọng xuất hiện một báo cáo có thể thay đổi cục diện cuộc bầu cử. Nhưng chúng cũng không thành hiện thực.
Wall Street Journal dường như còn "đổ dầu vào lửa" giận dữ của Tổng thống Mỹ, khi đưa tin rằng Bộ Tư pháp thực sự đang điều tra Hunter trong hai năm qua, nhưng cố ý không công khai bất cứ thông tin nào trước ngày bầu cử.
Sau thất bại cay đắng trước Biden, Trump không ngừng lớn tiếng tuyên bố ông là nạn nhân của gian lận bầu cử. Một lần nữa, bất chấp áp lực chính trị đè nặng, Barr đã từ chối hưởng ứng thông điệp này của Tổng thống.
"Chúng tôi chưa nhận thấy sự gian lận trên quy mô đủ lớn để có thể dẫn đến một kết quả bầu cử khác", Bộ trưởng Tư pháp cho hay.
Cùng với thông tin về quyết định không công khai vụ điều tra Hunter của Barr, Trump đã đăng một dòng tweet ngắn, tóm gọn cơn thịnh nộ của ông đối với Bộ trưởng Tư pháp, quan chức thân tín một thời.
"Một sự thất vọng to lớn!", Trump viết.
Ánh Ngọc (Theo AFP)