Với khoảng 1.200 trong tổng số hơn 250.000 điện tín của các phái đoàn ngoại giao Mỹ bị công khai, có lẽ hiện còn quá sớm để hiểu được hết hậu quả từ việc làm của Wikileaks đối với vị thế quốc tế của siêu cường Mỹ.
Tuy thế, cũng đã có một số thay đổi trong ngoại giao thế giới - có những thay đổi không thể đảo ngược để trở về như trước trong các mối quan hệ quốc tế, AFP bình luận.
Hàng trăm người ủng hộ Julian Asange tụ tập bên ngoài tòa thị chính Sydney hôm qua. Ảnh: AFP |
Những tin tức bị rò rỉ cho thấy mức độ lo lắng của các nước Ảrập khi thấy Iran nuôi tham vọng hạt nhân, khiến họ dường như trở nên đứng cùng phe với kẻ thù truyền kiếp là Israel trong việc thúc đẩy một hành động quân sự chống Tehran.
Việc Washington không giữ được các tài liệu mật khiến họ mất mặt với một số đối thủ như Trung Quốc. Và Bắc Kinh đã rất thận trọng trong việc phản ứng trước những lời chỉ trích đối với chính sách của họ.
Một số chính phủ và nhà lãnh đạo châu Âu chỉ trích việc để lộ thông tin là thiếu trách nhiệm và nguy hiểm; một số nhà lãnh đạo ngượng đỏ cả mặt khi biết đến những nhận xét thẳng ruột ngựa mà các nhà ngoại giao Mỹ bí mật dành cho họ. Tuy vậy, hầu như ai cũng nói rằng các tin mà Wikileaks lộ ra chẳng phương hại gì đến mối quan hệ hết.
Nhưng cũng có những người thực sự buồn lòng. Ba Lan, suốt từ sau chiến tranh lạnh đã cố gắng vồ vập để xây dựng quan hệ nồng ấm với Mỹ, giờ đây nhờ có Wikileaks, đã hiểu ra rằng tấm tình nóng sốt ấy chỉ là đơn phương.
"Chúng tôi thấy vấn đề là nghiêm trọng", Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu trước các phóng viên sau khi biết rằng Mỹ không hề có kế hoạch xây một căn cứ quân sự vĩnh viễn trên đất Ba Lan.
"Chúng tôi đã rũ bỏ ảo tưởng về tính chất của mối quan hệ giữa các nước, kể cả giữa các đồng minh như là Mỹ và Ba Lan".
Một nguồn tin ngoại giao cao cấp ở châu Âu cho biết ông nghĩ rằng từ nay trở đi Ba Lan sẽ tập trung hơn vào các mối quan hệ ở châu Âu, và giảm bớt thời gian cũng như công sức ve vãn Mỹ.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thì bình luận rằng thư tín ngoại giao Mỹ bị rò rỉ cho thấy "rõ hết mức độ hoài nghi của các đánh giá (của các nhà ngoại giao Mỹ), điều rất phổ biến" trong chính sách của Washington. Những bức điện tín cho thấy Mỹ coi Medvedev chỉ là phụ tá cho (Thủ tướng Nga) Putin, và rằng Putin là người đứng sau giật dây những con rối.
Nhiều nhà lãnh đạo khác cũng bị mô tả một cách không đẹp đẽ gì. Thủ tướng Đức Angela Merkel "không có máu liều và ít sáng tạo". Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy "yếu ớt và độc tài". Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi "tắc trách và phù phiếm". Thủ tướng Anh David Cameron "thiếu chiều sâu".
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được dẫn dắt bởi "một vòng kim cô gồm những cố vấn "bợ đỡ nhưng khinh khỉnh"; còn ngoại trưởng nước này "đặc biệt nguy hiểm".
Nhà lãnh đạo Libya Moamer Kadhafi ca ngợi Wikileaks là lột trần "thói đạo đức giả" của Mỹ, cho rằng vai trò của website này là "rất quan trọng", nhưng cũng cảnh báo rằng nó có thể mất uy tín nếu "gây hại cho hình ảnh của mọi người".
Trong thế giới Ảrập, Ảrập Xêút và Bahrain kêu gọi quân đội Mỹ tấn công Iran vì Tehran tiến hành chương trình hạt nhân gây tranh cãi, còn nhà vua Abdullah thậm chí đòi hỏi Mỹ "cắt đầu con quỷ" đi.
Trong lúc đó thì Israel vỗ tay tự chúc mừng mình, bởi thông tin rò rỉ cho thấy họ đã được cho là đúng đắn khi kêu gọi có hành động chống Iran. Còn Iran thì cảnh báo các nước Ảrập láng giềng đừng rơi vào cái bẫy mà Wikileaks giăng ra, và tất cả chuyện om sòm quanh thông tin mật chỉ là "một kế hoạch bài Iran và làm mất đoàn kết" thế giới Ảrập.
Mai Trang lược dịch