- Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch ở Việt Nam trong khi Campuchia, Lào, Thái Lan đang bùng phát Covid-19?
- Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng gia tăng trong khu vực, bao gồm ở Campuchia, Lào và Thái Lan, nguy cơ thêm các ca nhiễm nhập cảnh vào Việt Nam và các ca lây nhiễm trong cộng đồng là cao. Nguy cơ cao nhất là từ những người nhập cảnh trái phép mắc Covid-19 không được phát hiện.
- Theo ông, Việt Nam cần có biện pháp gì để ngăn chặn nguy cơ này?
- Việt Nam đã ứng phó thành công với đại dịch và được thế giới ghi nhận. Thành công này là kết quả của sự đầu tư dài hạn vào an ninh y tế mà chính phủ và các đối tác đang duy trì nhằm giữ vững đà ứng phó đã đạt được.
Việt Nam đang quản lý các đường biên giới hiệu quả, và hiện vẫn đóng cửa biên giới ngoại trừ một số bối cảnh cụ thể. Phương pháp tiếp cận toàn xã hội một lần nữa được thể hiện rõ ràng trong việc tiếp tục ứng phó với các đợt bùng phát tại cộng đồng trên khắp cả nước dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo mạnh mẽ của chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 và Bộ Y tế.
Hiện, Việt Nam từng bước triển khai các biện pháp y tế công cộng toàn diện dựa trên bối cảnh/bằng chứng đang diễn ra, theo hướng giảm thiểu tác động đến các hoạt động kinh doanh, hộ gia đình và các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, chính phủ cần tiếp tục giữ cao cảnh giác và tích cực thực hiện các hoạt động đánh giá nguy cơ. Đồng thời, cần chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng dịch bùng phát trở lại trong lúc Covid-19 đang leo thang trên toàn cầu, trong khu vực và ở các nước láng giềng như Campuchia, Lào.
Cần tăng cường giám sát và kiểm soát biên giới; thiết lập bệnh viện dã chiến tại tỉnh Kiên Giang tiếp giáp với Campuchia; truyền thông về nguy cơ cho công dân Việt Nam đang cư trú/làm việc tại Campuchia để tránh hồi hương bất hợp pháp...
WHO cam kết tiếp tục hợp tác với chính phủ Việt Nam trong việc duy trì các nỗ lực đáp ứng với đại dịch và đảm bảo chúng tôi luôn sẵn sàng hành động khẩn trương để đáp ứng với bất kỳ trường hợp bệnh mới nào.
- Những bài học nào cho Việt Nam từ cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ?
- Sự bùng nổ các ca mắc ở nhiều quốc gia trong đó có Ấn Độ cho thấy đại dịch vẫn tiếp tục nghiêm trọng hơn và con đường phía trước còn rất dài. Chúng ta cần phải tiếp tục cảnh giác, không được chủ quan.
Tính đến ngày 26/4, trên toàn cầu, các ca Covid-19 gia tăng liên tục trong 9 tuần, các ca tử vong tăng 6 tuần liên tiếp.
Tuần trước, WHO nhận được báo cáo 5,7 triệu người nhiễm và 88.000 người tử vong. Từ khi đại dịch khởi phát, chúng ta ghi nhận gần 150 triệu ca Covid-19 và 3,1 triệu ca tử vong. Đây là xu hướng đáng lo ngại khi toàn cầu tiếp tục ghi nhận tác động của các biến thể của virus, một số quốc gia nới lỏng điều kiện nhập cảnh và triển khai vaccine không công bằng.
Chính vì thế, người dân phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế công cộng như 5K ngay cả khi đang triển khai chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19.
- Trong lúc Ấn Độ đang khủng hoảng do Covid-19, thiếu vaccine nên không cho xuất khẩu, nguồn cung từ Covax sắp tới như thế nào?
- Tính đến ngày 27/4, Covax đã vận chuyển hơn 48 triệu liều vaccine Covid-19 đến 120 quốc gia và nền kinh tế tham gia vào cơ chế này. Trong khi đó, nguồn cung đang thiếu do nhu cầu gia tăng, trong đó có nhu cầu tăng nhanh ở Ấn Độ.
Chúng tôi vẫn hy vọng cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Covax và chính phủ Ấn Độ sẽ giúp số liều vaccine bị trì hoãn đến được với các quốc gia trong đó có Việt Nam, càng sớm càng tốt.
Covax đang đánh giá những nước có thể bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ này, để hỗ trợ họ trong việc đảm bảo liều vaccine thứ hai sẽ được tiêm trong khung thời gian khuyến nghị.