Theo kết luận của SAGE, một liều vaccine ung thư cổ tử cung (HPV) có tác dụng tương đương với hai liều. Cơ quan này nhận định đây có thể là bước ngoặt trong chiến dịch tiêm chủng, tạo điều kiện tiếp cận vaccine cho nhiều phụ nữ, thanh thiếu niên hơn.
WHO đã cập nhật hướng dẫn tiêm chủng mới đối với nữ giới từ 9 tuổi trở lên. Theo đó, trẻ từ 9 đến 14 tuổi có thể tiêm một liều vaccine HPV. Thanh thiếu niên từ 15 đến 20 tuổi có thể tiêm một đến hai liều vaccine. Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên được khuyến nghị tiêm hai liều, cách nhau 6 tháng.
Người bị suy giảm miễn dịch, gồm cả người nhiễm HIV, nên tiêm ba liều vaccine nếu có thể, hoặc tiêm ít nhất hai liều.
Hướng dẫn mới của WHO tương đồng với một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Y học New England (NEJM). Nghiên cứu kéo dài 18 tháng cho thấy một liều vaccine HPV có hiệu quả cao ngăn ngừa mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
Thường được gọi là "kẻ giết người thầm lặng", bệnh ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa. Trở ngại lớn nhất là tình trạng phân bổ vaccine không công bằng trên thế giới. Khuyến nghị mới của WHO có thể giải quyết các mối lo về việc chậm trễ tiêm chủng và tỷ lệ bao phủ thấp trong dân số nói chung, đặc biệt là tại các nước thu nhập thấp.
"Tôi tin rằng thế giới có thể loại bỏ ung thư cổ tử cung. Năm 2020, WHO đã đưa ra Sáng kiến Loại bỏ Ung thư Cổ tử cung để giải quyết tình trạng bất bình đẳng vaccine. Khuyến nghị mới (về việc tiêm một liều) có khả năng đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu tiêm chủng cho 90% nữ giới ở độ tuổi 15 vào năm 2030", tiến sĩ Princess Nothemba Simelela, trợ lý tổng giám đốc WHO, nhận định.
Theo WHO, chương trình tiêm chủng HPV toàn cầu còn chậm chạp. Tính đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ hai mũi là 13%. Các yếu tố ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm phòng là thách thức nguồn cung, chi phí của phác đồ hai liều cho nữ giới chưa tiêm chủng từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, giá tiêm vaccine HPV tương đối cao, đặc biệt với nước có thu nhập trung bình.
Phác đồ một liều vaccine ít tốn kém, giảm tiêu hao tài nguyên và dễ dàng triển khai, WHO nhận định. Nó tạo điều kiện thuận lợi để tiêm phòng ở nhiều nhóm tuổi, giảm bớt các thách thức liên quan đến việc tiêm liều thứ hai ở trẻ em gái, cho phép chuyển hướng nguồn lực tài chính và nhân lực sang các lĩnh vực sức khỏe khác.
Thục Linh (Theo Reuters)