"Điều đó đồng nghĩa rủi ro tăng lên đối với những người không được bảo vệ, chiếm phần lớn dân số thế giới", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 14/6.
Ca Covid-19 mới tiếp tục giảm trên toàn cầu, nhưng ca tử vong không giảm, theo ông Tedros. Hơn 3,8 triệu người đã chết vì Covid-19 trên khắp thế giới.
Ca nhiễm mới giảm 7 tuần liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất thế giới từng chứng kiến từ khi đại dịch bắt đầu. Tuy nhiên, số người chết tuần qua vẫn tương đương số liệu tuần trước đó.
"Trong khi ca nhiễm hàng tuần ở mức thấp nhất kể từ tháng 2, số ca tử vong không giảm nhanh như vậy. Suy giảm toàn cầu làm lu mờ sự gia tăng đáng lo ngại ca nhiễm và tử vong ở nhiều quốc gia", lãnh đạo WHO nói thêm.
Các quốc gia châu Phi đang ghi nhận tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn so với các quốc gia khác. Tỷ lệ này đặc biệt đáng lo ngại vì châu Phi báo cáo ít ca nhiễm hơn so với hầu hết khu vực khác. Khu vực này cũng ít khả năng tiếp cận vaccine, chẩn đoán và nguồn cung cấp oxy nhất so với phần còn lại của thế giới, nhấn mạnh những tác động của bất bình đẳng y tế mà quan chức y tế toàn cầu đã cảnh báo.
"Có đủ liều lượng vaccine trên toàn cầu để giảm lây nhiễm và cứu sống nhiều người nếu chúng được sử dụng đúng nơi, đúng đối tượng", Tedros nói.
Các nước G7 đã cam kết phân phối 870 triệu liều vaccine trên khắp thế giới, nhưng WHO cho biết cần nhiều hơn thế. "Đây là sự trợ giúp lớn, nhưng chúng tôi cần nhiều hơn và nhanh hơn. Hơn 10.000 người đang chết mỗi ngày", Tổng giám đốc WHO cho hay.
Huyền Lê (Theo CNBC)