Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết các quốc gia nên hành động ngay lập tức để tránh áp đảo hệ thống y tế vào mùa thu đông, khi biến chủng phụ của Omicron là BA.5 lây lan nhanh chóng.
WHO báo cáo hơn ba triệu ca mắc Covid-19 mới ở châu Âu vào tuần trước, chiếm gần một nửa tổng số trường hợp toàn cầu. Tỷ lệ nhập viện đã tăng gấp đôi, gần 3.000 người chết vì virus mỗi tuần, ông Kluge cho biết ngày 19/7.
Ông nhận định các nước cần có các "biện pháp ổn định" trong thời kỳ xã hội hoạt động bình thường, chẳng hạn tiêm liều vaccine tăng cường, đeo khẩu trang và cải thiện thông gió tại các không gian kín.
Theo ông Kluge, các nước nên tiêm liều tăng cường thứ hai (liều 4) dành cho những người bị suy giảm miễn dịch (từ 5 tuổi trở lên) và các ca tiếp xúc gần. Ông cũng khuyến nghị người dân đeo khẩu trang trong nhà và trên các phương tiện giao thông công cộng.
"Đôi khi mọi người hỏi liệu virus đã quay trở lại. Nó chưa từng biến mất mà vẫn ở đó, lây lan, biến đổi và không may là vẫn đang cướp đi nhiều nhân mạng", người đứng đầu WHO châu Âu nói.
Theo WHO, thế giới đang ở trong tình huống tương tự mùa hè năm ngoái. Khi số ca nhiễm gia tăng, số người nhập viện cũng sẽ tăng theo, đặc biệt trong mùa thu đông, khi trường học mở cửa trở lại. Kịch bản này đặt ra thách thức to lớn với lực lượng y tế các nước, vốn đã chịu áp lực rất lớn từ việc đối phó với các cuộc khủng hoảng không ngừng kể từ năm 2020.
"Xin nhắc lại, thông điệp của tôi với chính phủ và cơ quan y tế các nước là hãy hành động ngay để chuẩn bị cho những tháng tới", ông Kluge nói và cho biết thêm hiện Nam Bán cầu, nơi đang là mùa đông, trải qua đợt dịch cúm rất mạnh, kèm với đó là Covid-19, gây căng thẳng hệ thống y tế. Kịch bản này sẽ tương tự ở Bắc Bán cầu vào mùa thu và mùa đông tới.
WHO bày tỏ lo ngại khi số lượng xét nghiệm hạn chế, các quốc gia ngừng hoặc giảm đáng kể việc giám sát Covid-19, tạo ra điểm mù nguy hiểm trong kiến thức đối với sự phát triển của virus. Ông Kluge kêu gọi các nước tăng cường giám sát Covid-19 một cách rộng rãi dựa vào số lượng người nhiễm. Ông coi đây là "công cụ quan trọng chống lại virus".
WHO nhận định Covid-19 vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, có khả năng gây tử vong. Các ca tái nhiễm nCoV xảy ra thường xuyên hơn do virus tiến hóa liên tục, mỗi lần mắc đều có thể dẫn đến các di chứng kéo dài.
Thục Linh (Theo Reuters)