Hôm 6/4. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Gheybresus lưu ý các quốc gia đang xem xem xét việc thay đổi quy định về đeo khẩu trang, cho rằng sản phẩm này nên được ưu tiên cho các nhân viên y tế tuyến đầu.
"Chúng tôi lo ngại việc ồ ạt sử dụng khẩu trang y tế có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt thứ cần dành cho những người cần chúng nhất. Chỉ đeo khẩu trang thôi cũng không thể ngăn chặn đại dịch, các quốc gia phải tiếm tục tìm kiếm, xét nghiệm, cách ly và điều trị mọi ca bệnh cũng như truy tìm những người liên quan", ông Tedros phát biểu.
Thời gian Gần đây, các nước châu Âu và Mỹ bắt đầu thừa nhận hiệu quả của việc đeo khẩu trang trong việc phòng tránh Covid-19. Viện Dịch tễ liên bang Đức Robert Koch (RKI) cho rằng việc đeo khẩu trang ngay cả khi không có biểu hiện nhiễm virus là điều cần thiết. Czech và Slovakia bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
WHO nhận định các biện pháp phong toả ở nhiều nơi đang cho thấy tác dụng trong việc giảm thiểu sự lây lan của virus. Một số quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề như Italy, Tây Ban Nha bắt đầu mong muốn nới lỏng các quy định này. Song WHO nhấn mạnh gỡ bỏ lệnh hạn chế là động thái đòi hỏi thời gian và cách tiếp cận hiệu quả, từng bước dựa trên các dữ liệu dịch tễ.
Tiến sĩ Mike Ryan, chuyên gia hàng đầu của Liên Hợp Quốc về các tình huống y tế khẩn cấp, cho biết chính phủ các nước cần xem xét thông số cụ thể, bao gồm tỷ lệ sử dụng giường bệnh, số ca nhiễm và tỷ lệ kết quả dương tính so với số người được xét nghiệm, trước khi xác định có nới lỏng lệnh cách ly xã hội hay không.
Ngày 7/4, WHO nhắc lại kêu gọi các nước đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân viên y tế. Tuyên bố đưa ra sau khi nhiều bác sĩ và y tá báo cáo chịu tình trạng bạo lực khi đang làm việc.
"Chúng tôi đã chọn ra các báo cáo trên toàn thế giới về việc lạm dụng, quấy rối nhân viên y tế. Một người bị bệnh nhân nhổ vào. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được", Howard Catton, giám đốc điều hành của Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế, phát biểu.
Ông kêu gọi chính phủ các nước không khoan nhượng đối với hành động này. Giorgio Cometto, thành viên bộ phận nhân lực y tế của WHO, cho biết đây là hiện tượng tương đối mới trong đó nhân viên y tế bị coi là mối đe doạ, thay vì giải pháp.
Tính đến nay, toàn thế giới có hơn 1,3 triệu ca bệnh Covid-19 và khoảng 74.000 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đã được điều trị thành công là 278.695 người. Kể từ giữa tháng 3, ổ dịch đã chuyển dần từ Trung Quốc sang các nước phương Tây. Mỹ hiện đứng đầu danh sách số trường hợp dương tính với hơn 367.000 người. Tiếp theo đó là Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp.
Thục Linh (Theo Reuters)