Ngày 21/7, WHO cho biết khu vực này báo cáo hơn 13.000 trường hợp dương tính mới, cao thứ tư toàn cầu. Trong đó, tình hình ở các nước như Botswana, Kenya, Namibia, Zambia và Zimbabwe trở nên căng thẳng, theo Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của tổ chức.
"Dù con số ghi nhận ở các nước này nhỏ hơn, chúng ta có thể nhận thấy các ca nhiễm trong cộng đồng bắt đầu leo thang tại khu vực châu Phi hạ Sahara. Tôi nghĩ điều này cần được quan tâm một cách nghiêm túc", ông nói.
Tiến sĩ Ryan cũng bổ sung: "Nam Phi có thể chỉ là điểm khởi đầu, một dấu hiệu cảnh báo cho những gì có thể xảy ra tiếp theo ở phần còn lại của lục địa. Đây không chỉ là hồi chuông đối với chính Nam Phi. Chúng ta cần thận trọng xem xét lại những gì đang diễn ra ở toàn châu Phi".
WHO cũng cảnh báo đại dịch có thể tấn công cộng đồng nửa triệu người dân bản địa trên thế giới, với điều kiện sống nghèo nàn.
Theo Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, tính đến ngày 6/7, hơn 70.000 người dân bản địa ở châu Mỹ đã nhiễm nCoV, trong đó 2.000 ca tử vong.
"Đây thường là những đối tượng chịu gánh nặng đói nghèo, thất nghiệp, suy dinh dưỡng, cả các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm. Họ dễ bị tổn thương hơn", ông nói, không quên nhấn mạnh người bản địa Mỹ là mối quan tâm đặc biệt.
Ông Tedros kêu gọi các quốc gia thực hiện biện pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khoẻ cần thiết, đặc biệt chú ý truy vết tiếp xúc.
"Chúng ta không thể chỉ chờ đợi vaccine. Cần giữ gìn mạng sống ngay bây giờ", ông nói.
Tính đến ngày 21/7, toàn thế giới ghi nhận gần 15 triệu ca dương tính nCoV và hơn 600.000 trường hợp tử vong. WHO hoan nghênh tin tức về triển vọng của các thử nghiệm vaccine vừa được công bố, đặc biệt kết quả của nhóm Oxford và AstraZeneca.
"Chúng tôi chúc mừng các đồng nghiệp vì tiến độ đạt được. Đây là kết quả tích cực, nhưng còn cả chặng đường dài. Chúng ta cần chuyển sang các thử nghiệm quy mô lớn hơn", Tiến sĩ Tedros phát biểu.
Thục Linh (Theo Reuters)