Khảo sát của Reuters cho thấy tỷ lệ giường bệnh và máy thở theo đầu người tại khu vực là dưới một trên 100.000 dân. Ngay cả trong kịch bản tương sáng nhất, lục địa này vẫn cần lượng thiết bị lớn gấp 10 lần để chống chọi qua đỉnh dịch. Kết quả cung cấp bức tranh tổng thể và chi tiết về vấn đề nguồn cung cơ bản, công tác xét nghiệm và nhân lực y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng cảnh báo châu Phi, nơi cư trú của 1,3 tỷ dân, có thể trở thành tâm dịch tiếp theo. Khu vực này đã ghi nhận hơn 51.000 trường hợp dương tính, tương đối thấp so với thế giới. Tuy nhiên con số có thể chưa phản ánh tình hình thực tế, bởi công tác xét nghiệm còn nhiều hạn chế. Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc về châu Phi cho biết số ca nhiễm nCoV tại đây có thể lên tới 123 triệu trong năm nay, ca tử vong khả năng chạm ngưỡng 300.000.
Nếu buộc phải phong tỏa trong thời gian chưa xác định, khu vực này cần ít nhất 121.000 giường bệnh để điều trị cho các trường hợp nghiêm trọng. Tuy nhiên hiện châu Phi chỉ có 9.800 giường. Kit xét nghiệm và máy trợ thở cũng thiếu thốn.
Nhiều quốc gia đã nhanh chóng thực hiện biện pháp ngăn ngừa virus, khởi động các chiến dịch y tế công cộng nghiêm ngặt, hạn chế đi lại và điều phối các nhà máy thành nơi sản xuất thiết bị bảo hộ.
"Chúng tôi đang chuẩn bị. Nhưng như thể tất cả đang phải đóng một bộ phim không được diễn tập hay cung cấp kịch bản trước", tiến sĩ Juliet Nyaga, giám đốc điều hành của Bệnh viện Karen, Kenya, cho biết.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi, năng lực xét nghiệm của lục địa này đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên các cơ sở y tế cũng chỉ thực hiện được 685 chẩn đoán trên một triệu người.
"Nếu không xét nghiệm, bạn sẽ không thể tìm ra (người mắc Covid-19)", John Nkengasong, giám đốc CDC châu Phi, nói. Cơ quan hiện đang phối hợp với WHO để đẩy nhanh quá trình sàng lọc bệnh nhân, mở rộng quy mô xét nghiệm từ Nam Phi và Senegal sang toàn châu lục.
Tuy nhiên nhiều khu vực vẫn không thể tận dụng hết hạ tầng y tế. Các phòng thí nghiệm tại Kenya có khả năng tiến hành 37.000 xét nghiệm mỗi ngày, song đến nay chỉ mới 26.000 bệnh nhân được chẩn đoán, theo số liệu của giới chức y tế. Báo cáo cho biết khu vực thiếu hụt cả nhân lực, dụng cụ thu thập mẫu bệnh phẩm và một số loại vật tư. Nhiều kit thử cũng bị lỗi.
Vấn đề tiếp theo nằm ở các khu hồi sức tích cực (ICU). Theo ước tính của WHO, khoảng 14% bệnh nhân Covid-19 châu Phi cần nhập viện và hỗ trợ oxy, 5% phải sử dụng máy thở. Dù ở kịch bản khả quan nhất, trong thời gian cao điểm của dịch bệnh, có thể 12 bệnh nhân sẽ phải xếp hàng chờ giường trống trong ICU.
Ba quốc gia đông dân nhất lục địa là Nigeria, Ethiopia và Ai Cập có tổng cộng 1.920 giường ICU cho hơn 400 triệu người. Bộ trưởng Y tế Nigeria cho biết nước này hầu như chưa phải sử dụng đến thiết bị trong ICU, song vẫn tiếp tục đặt hàng.
Các bệnh nhân Covid-19 nặng cũng phải thở máy. Tuy nhiên toàn châu Phi chỉ đủ thiết bị cho 9.300 giường. Cá biệt, một số quốc gia như Guinea Bissau không có chiếc nào.
"Nhân viên y tế thiếu thốn đồ bảo hộ và không đủ động lực làm việc. Chúng tôi cần gấp ba lần lượng giường bệnh hiện có", Tumane Balde, người đứng đầu ủy ban liên bộ ứng phó với Covid-19 tại Guinea Bissau, cho biết.
Minh bạch thông tin cũng là yếu tố cần thiết để kiểm soát tốt dịch bệnh, bên cạnh thiết bị và vật tư y tế. Dù nhiều nước đã sớm công bố các dữ liệu quan trọng, thống kê từ một số quốc gia vẫn vô cùng chắp vá, chậm chạp và thiếu minh bạch. Michel Yao, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO khu vực châu Phi, nhận định có thể nhiều nhà lãnh đạo sợ bị chỉ trích về thất bại của dịch vụ y tế công cộng.
"Thông tin là điều cần thiết đối với chúng tôi trong công tác hỗ trợ. Rất khó để ước tính nhu cầu chung nếu không thu được các dữ liệu chính xác", ông nói.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế châu Phi còn gặp phải tình trạng thiếu điện và khan hiếm nhân lực.
Tại các quốc gia như Nigeria, Nam Sudan và Zimbabwe, nguồn điện rất không ổn định. Các bệnh viện phụ thuộc nhiều vào máy phát chạy bằng dầu diesel. Nhưng một số không đủ khả năng tiếp nhiên liệu và duy trì lâu dài.
Bác sĩ, y tá khoa hồi sức tích cực, bác sĩ gây mê và chuyên gia kỹ thuật sinh học cũng thiếu hụt. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, một bác sĩ châu Phi phải điều trị trung bình cho khoảng 80.000 người.
Dù chính phủ các nước đang cố gắng kêu gọi bệnh viện tư nhân hỗ trợ điều trị cho những người không đủ khả năng chi trả viện phí, điều này không hề dễ dàng.
Thục Linh (Theo Reuters)