Ngày 18/11, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhấn mạnh "vaccine không nên được coi như liều thuốc tiên". Ông cảnh báo các quốc gia đang đối mặt với làn sóng Covid-19 có thể phải tiếp tục chiến đấu mà không sử dụng chúng.
"Tôi nghĩ rằng phải mất ít nhất 4 đến 6 tháng, các nước mới có thể tiêm chủng đại trà", ông nói trong buổi hỏi đáp trực tuyến.
Cùng ngày, hãng dược Pfizer thông báo kết thúc thử nghiệm lâm sàng, vaccine hiệu quả 95%. Trước đó, Moderna cũng cho biết độ bảo vệ của các liều tiêm hãng đang phát triển là 94,5%. Nga tuyên bố ứng viên Sputnik V hiệu quả hơn 90% sau đó công bố lại 92%. Đây được đánh giá là bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch.
Bất chấp những tin tức đầy hứa hẹn, ông Ryan vẫn khẳng định: "Chúng ta chưa có vaccine. Nhiều quốc gia đang trải qua làn sóng thứ hai. Họ phải tiếp tục vượt qua nó mà không có vaccine. Chúng ta nên hiểu rõ điều đó, đồng thời nhận thức rằng phải chiến đấu mà không cần đến vaccine".
Ryan cảnh báo không nên lơ là đối với virus hay lầm tưởng rằng tiêm chủng sẽ lập tức giải quyết được các vấn đề.
"Một số người nghĩ rằng vaccine, theo nghĩa nào đó, sẽ là điều kỳ diệu chúng ta đang theo đuổi. Thực tế là nó không phải. Nếu chỉ trông vào vaccine mà quên đi các biện pháp khác, Covid-19 sẽ không biến mất", ông khẳng định.
Dữ liệu hôm 18/11 của WHO cho thấy số ca nhiễm nCoV mới ở châu Âu lần đầu tiên giảm trong hơn ba tháng, song số người tử vong tiếp tục tăng. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, Covid-19 đã giết chết hơn 1,3 triệu bệnh nhân toàn cầu.
Đến nay, thế giới có hơn 100 loại vaccine đang trong giai đoạn phát triển. 12 ứng viên đã tiến đến thử nghiệm giai đoạn cuối.
Thục Linh (Theo AFP)