Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thuỵ Điển cũng phát hiện virus trên chồn. Đan Mạch đã ban bố lệnh hạn chế nghiêm ngặt đối với miền bắc đất nước sau khi ghi nhận biến chủng nCoV lây nhiễm từ chồn sang người.
Copenhagen đã cảnh báo đột biến mới có thể đe dọa sự phát triển của bất cứ loại vaccine nào trong tương lai. Giới chức thành phố đã ra lệnh tiêu hủy tổng cộng khoảng 15 đến 17 triệu con chồn trong nước. Hôm 7/11, Anh cấm nhập cảnh đối với tất cả khách đến từ Đan Mạch sau phát hiện đột biến liên quan đến trang trại chồn.
Các nhà khoa học cho biết đột biến virus thường phổ biến và vô hại, không khiến bệnh chuyển nặng ở người. Tuy nhiên, cơ quan y tế Đan Mạch bày tỏ lo ngại biến chủng, gọi là "Cluster 5", không bị kháng thể ngăn cản ở mức thông thường, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của vaccine toàn cầu.
"Quan sát ban đầu cho thấy biểu hiện lâm sàng, mức độ nghiêm trọng và sự lây truyền giữa những người nhiễm tương tự so với chủng cũ", WHO tuyên bố. "Tuy nhiên, Cluster 5 có nhiều đột biến kết hợp và thay đổi khác trước đây. Tác động của biến chủng này chưa được hiểu rõ".
WHO kêu gọi thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để xác minh thông tin và "hiểu toàn bộ tác động tiềm ẩn, liên quan đến chẩn đoán, điều trị và vaccine". Tổ chức lưu ý dù virus được cho là bắt nguồn từ dơi, vật chủ trung gian truyền bệnh vẫn chưa được xác định.
Kể từ tháng 6/2020 đến nay, Đan Mạch ghi nhận 214 ca nhiễm chủng nCoV từ trang trại chồn sương.
Chồn sương còn gọi chồn Ferret, kích thước vừa phải, lông màu nâu, đen, trắng hoặc lang, thường được nuôi làm thú cưng.
Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc vào cuối năm 2019. Đến nay, virus đã lây nhiễm cho 50 triệu người, khiến hơn 1 triệu bệnh nhân tử vong. nCoV đã nhiều lần thay đổi. Biến chủng phổ thông tại chây Âu kể từ khoảng tháng 6 là D614G. Đột biến mới nhất là 20A.EU1 xuất hiện lần đầu tại Tây Ban Nha hồi tháng 6.
Thục Linh (Theo AFP)